Xin được áp dụng cơ chế đặc thù?

Mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết đang lập đề án để thành lập 4 quận mới là Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức vào năm 2020.

Tuy nhiên, Hà Nội cho biết, 4 huyện này vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt đủ điều kiện để chuyển thành quận. Cụ thể như cân đối thu chi ngân sách, đầu tư hạ tầng khung, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị, đường đô thị được chiếu sáng, đất cây xanh công cộng…

Do đó, Hà Nội sẽ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù về tài chính để tạo nguồn lực đầu tư giúp các huyện phát triển lên quận.

Việc điểu chỉnh tổng thể quy hoạch 4 quận trên, Hà Nội cho biết sẽ kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa thông qua việc thuê tổ chức nước ngoài thực hiện. Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch tại 4 quận này là giảm mật độ, tăng chiều cao.

Chưa đủ tiêu chí, vì sao Hà Nội muốn đưa bốn huyện ngoại thành lên quận? - Hình 1

TP. Hà Nội cho biết đang lập đề án, trình xin ý kiến Chính phủ cho phép đưa 4 huyện trên lên quận vào năm 2020.

UBND TP. Hà Nội cùng UBND các huyện bổ sung, hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư công vào cuối tháng 3 tới để trình Thành phố, báo cáo HĐND Thành phố xem xét, quyết định lập chỉ giới đường đỏ, tổ chức cắm mốc tạo điều kiện cho các huyện giải phóng mặt bằng sạch để thực hiện.

Hà Nội cũng cho biết sẽ triển khai linh hoạt các giải pháp thu hút đầu tư, nỗ lực phủ xanh các con đường, ngõ xóm trên địa bàn. Đẩy mạnh phát động các phong trào trồng cây xanh theo hướng vận động từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia trồng một cây xanh đến năm 2030.

Thành phố cũng sẽ tăng cường sử dụng nguồn năng lượng sạch (năng lượng mặt trời) phục vụ chiếu sáng công cộng. Ủy quyền cho các huyện đầu tư hệ thống điện mới bằng hệ thống điều hành thông minh, qua đó khuyến khích xã hội hóa để đảm bảo tiết kiệm chi ngân sách.

Về việc xử lý nước thải, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về đơn giá, trình UBND Thành phố trước ngày 28/2 để báo cáo Bộ Xây dựng đầu tháng 3.

Chưa đủ tiêu chí, vì sao Hà Nội muốn đưa bốn huyện ngoại thành lên quận? - Hình 2

Hoài Đức là một trong 4 huyện ngoại thành được TP. Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa lên quận 

Ngoài ra, để tạo nguồn thu cho ngân sách, Hà Nội giao các huyện đẩy mạnh phát triển các dịch vụ, phát triển các cụm công nghiệp sạch, tăng cường thu hút đầu tư về du lịch, phát triển làng nghề; quan tâm việc sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống làm quà lưu niệm cho du khách cũng như đầu tư xây dựng phát triển các thiết chế văn hóa cấp phường.

Dự kiến Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án trong tháng 3/2019.

Để lên quận phải đáp ứng những tiêu chí nào?

Tại Nghị định số 62/2011/ NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận phường tại Điều 6, chương 2 nêu rõ:

Quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau đây:

a) Mật độ dân số đạt từ 10.000 người/km2 trở lên;

b) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động;

c) Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên;

d) Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh;

đ) Có quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, đối với trường hợp quận được thành lập để mở rộng khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm đ và đạt từ 70% trở lên mức tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Nếu áp theo Nghị định số 62/2011/ NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ, thì có thể thấy hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội muốn lên quận cần phải có thời gian, có sự đầu tư đồng bộ nhằm thu hút các DN tham gia đầu tư tại địa phương.

Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao TP. Hà Nội lại mong muốn được đưa các huyện lên quận khi chưa đáp ứng đủ các tiêu chí?

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc