Sau 3 phiên liên tiếp tăng điểm, thị trường đã bỏ qua những dự báo về nhịp tích lũy để lấy đà bước tiếp, chỉ số VN-Index đã tăng khá tốt trong phiên giao dịch sáng 20/9 quanh vùng giá 1.280 điểm với thanh khoản tăng vọt. Trong đó, sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính của thị trường, với tâm điểm là bộ 3 bank – chứng – thép.
Tuy nhiên, niềm vui không trọn vẹn. Bên cạnh diễn biến tích cực của hầu hết các cổ phiếu bluechip, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có phần thiếu lạc quan khi nhiều mã đảo chiều giảm và thanh khoản kém sôi động.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán đang có dấu hiệu gia tăng khiến thị trường giảm nhiệt. Chỉ số VN-Index dần thu hẹp biên độ khi sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử.
Thị trường đã lùi dần đều và khép lại phiên giao dịch ngay sát vạch xuất phát với mức tăng chưa tới 1 điểm, trong đó công lớn giúp VN-Index xác nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp vẫn là nhóm cổ phiếu VN30. Điểm tích cực trong phiên hôm nay chính là thanh khoản, với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE vượt xa mức 20.000 tỷ đồng, là mức thanh khoản cao nhất trong hơn 1 tháng qua.
Hiện tại, thông tin về việc hạ lãi suất của Fed đã không còn là nhân tố tác động tới diễn biến thị trường, câu chuyện nội tại của doanh nghiệp với dự báo kết quả kinh doanh của quý III cũng như xa hơn là cả năm là yếu tố tác động nhiều tới giá cổ phiếu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 224 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 0,77 điểm (+0,06%), lên 1.272,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 898,26 triệu đơn vị, giá trị 21.820,86 tỷ đồng, tăng 47,86% về khối lượng và 52,75% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 57,83 triệu đơn vị, giá trị 1.761,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kết phiên tăng hơn 7,5 điểm, với 16 mã tăng và 11 mã giảm. Trong đó, 2 mã VIC và VCB giảm mạnh nhất đều trên 1%, đã lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số chung, còn lại các mã chỉ giảm trên dưới 0,5%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng ACB vẫn tăng tốt 3,4%, đóng cửa đứng tại mức giá 25.650 đồng/CP với thanh khoản lên tới hơn 34,31 triệu đơn vị. Các mã tăng tốt khác như HPG và SAB cùng tăng 1,6%, TCB tăng 1,5%, MBB và PLX cùng tăng 1,4%...
Xét về nhóm ngành, tất cả các nhóm đều đi lùi so với phiên sáng. Trong nhóm, nhóm năng lượng đang dẫn đầu thị trường, với điểm sáng là cổ phiếu PVD khi tăng tốc đầy ấn tượng trong phiên chiều. Đóng cửa, PVD tăng 5% lên vùng giá cao nhất ngày 27.050 đồng/CP với thanh khoản đột biến lên tới hơn 11 triệu đơn vị. Các mã khác như PVS tăng 2,97%, PVC tăng 3,15%, PVB tăng 5,65%, hay BSR trên UPCoM tăng 2,14%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán suy yếu, may mắn giữ được đà tăng nhẹ, bởi sức ép đến từ các mã lớn. Cụ thể ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, VCB, BID đều đảo chiều giảm, CTG lùi về mốc tham chiếu, bên cạnh các mã SSB, TPB, NAB cũng điều chỉnh.
Trong đó, VPB thu hẹp biên độ đôi chút, kết phiên tăng 1,1% và khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường với 52,25 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở nhóm chứng khoán, SSI lùi về mốc tham chiếu, VIX đảo chiều giảm 1,3% xuống mức giá thấp nhất ngày, BSI, VCI, CTS, VDS cũng đồng loạt điều chỉnh, các mã khác như HCM, FTS, AGR may mắn nhích nhẹ chưa tới 0,5%. Cổ phiếu tăng tốt nhất ngành là VND, đóng cửa tăng 2,7% lên 15.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản đảo chiều giảm. Bên cạnh các mã PDR, DXG, KDH, DIG… giảm từ phiên sáng, trong phiên chiều có thêm những tên tuổi lớn như VHM, VIC…
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch phân hóa và may mắn đảo chiều khởi sắc trở lại sau nhịp điều chỉnh vào giữa phiên.
Đóng cửa, sàn HNX có 84 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 0,53 điểm (+0,23%), lên 234,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57 triệu đơn vị, giá trị 1.206,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,97 triệu đơn vị, giá trị 210,28 tỷ đồng, trong đó riêng VFS thỏa thuận hơn 7,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 98,3 tỷ đồng và PVS thỏa thuận 1,25 triệu đơn vị, giá trị 45,83 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, các cổ phiếu họ P là điểm sáng khi duy trì đà tăng khá tốt trong phiên chiều. Trong đó, PVS kết phiên tăng 3% với thanh khoản chỉ thua SHS đôi chút, với hơn 7,4 triệu đơn vị khớp lệnh; PVC tăng 3,1% và khớp 1,18 triệu đơn vị…
Ở nhóm chứng khoán, cổ phiếu SHS lùi về mốc tham chiếu, MBS cũng “giật lùi” khi chỉ tăng 0,7%, trong khi BVS đảo chiều giảm 1,2%, APS giảm 2,8%...
Trên UPCoM, thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, UPCoM-Index đứng giá tham chiếu 93,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,32 triệu đơn vị, giá trị 620 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,13 triệu đơn vị, giá trị 57,18 tỷ đồng, trong đó riêng HNG thỏa thuận 5,77 triệu đơn vị, giá trị đạt 29,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều. Đóng cửa, BSR tăng 2,1% lên mức 23.900 đồng/CP với giao dịch vượt trội, đạt hơn 10,8 triệu đơn vị. Trong khi đó, mã cùng ngành là OIL kết phiên tăng 2,3% lên mức 13.600 đồng/CP và khớp lệnh 1,76 triệu đơn vị.
Mặt khác, các mã nhỏ có thanh khoản chỉ thua BSR, gồm HNG, BCR, DCS đều mất điểm. Trong đó, HNG giảm 2,1% và khớp 3 triệu đơn vị, BSR giảm 3,7% và khớp 1,87 triệu đơn vị, DCS giảm sàn và khớp 1,85 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng, với VN30F2410 đáo hạn gần nhất vào ngày 17/10, đóng cửa tăng 6 điểm, tương đương +0,5% lên 1.330 điểm, khớp lệnh hơn 176.310 đơn vị, khối lượng mở gần 38.440 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CACB2305 có thanh khoản cao nhất đạt 3,83 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 15,2% lên mức 1.060 đồng/cq. Theo sau là CHPG2331 với hơn 3,4 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 18,8% lên mức 190 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)