VN-Index đóng cửa phiên đầu tuần lao dốc mạnh 45,47 điểm (-4,03%) về mức 1.086,44 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ phiên lao dốc 57 điểm hôm 13/6 và tiếp tục đưa thị trường về vùng đáy hồi tháng 2/2021.
Sàn niêm yết lớn thứ nhì là HNX cũng bị rớt mạnh về cuối ngày khi rơi hơn 12 điểm (-4,83%) về vùng 238,17 điểm. Sàn đại chúng chưa niêm yết UPCoM giảm 2,59% xuống 82,76 điểm.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là gây ra sức nặng nhất cho chỉ số chung. Trong đó rổ VN30 ghi nhận có đến 29/30 mã giảm giá, trong đó có đến 11 mã trong sắc xanh lơ của việc giảm sàn, và mã tăng giá duy nhất là trường hợp đặc biệt VIC.
Tác động tiêu cực nhất đến thị trường đến từ nhóm ngân hàng; trong đó mã đầu ngành VCB của Vietcombank rơi 3,9% về 18.400 đồng. Hàng loạt cổ phiếu "vua" khác rơi về trạng thái bán sàn đáng kể như BID, CTG, TCB, STB.
Nhóm cổ phiếu lớn tiếp theo là bất động sản và xây dựng cũng không khá khẩm hơn với sắc xanh lơ hàng loạt. Những điển hình giảm sàn có thể kể đến NLG, HDG, DIG, CEO, NBB, HQC, CTD, HBC, PHC, FCN, DXG, VCG...
Cổ phiếu bán lẻ cũng không trụ được trước sức ép thị trường khi những mã hàng đầu như MWG, PET, DGW, FRT, PNJ ở mức giá thấp nhất có thể. Cổ phiếu năng lực không còn khả năng phòng thủ khi GEG, BCG, POW, NT2, PVS, PVC, VSH, PC1... lần lượt kết phiên trong màu xanh lơ.
Nhóm cổ phiếu hàng hóa giảm sàn hàng loạt với các cái tên ngành thép HPG, HSG, NKG, nhóm phân bón DPM và DCM, cổ phiếu đường SBT, cổ phiếu thủy sản VHC, ANV, CMX hay IDI, cổ phiếu dệt may có TNG và GIL giảm kịch biên độ...
Chiều kéo cũng bất thường với VIC của Vingroup là mã tăng giá duy nhất trong nhóm VN30, tăng 0,9% lên 55.500 đồng. Điều đáng nói là mã này liên tục bị bán tháo trong phiên với mức giảm rất sâu có lúc chỉ còn 53.000 đồng, nhưng một lượng mua lớn trong phiên ATC đã kéo thị giá một mạch lên giá xanh.
Diễn biến bất thường cũng xuất hiện ở mã VHM của Vinhomes, khi bị bán tháo quyết liệt trong phần lớn thời gian và có lúc đã giảm sàn. Tuy nhiên, lực kéo trong 15 phút phiên ATC đã mang cổ phiếu này về trở về sát giá tham chiếu.
Dù nhóm tăng giá rất hạn chế nhưng vẫn có một số trường hợp đi ngược đáng chú ý khác, có thể kể đến sắc tím tăng trần của các cổ phiếu thanh khoản thấp như PDN, TPC, LEC, L43, EPC, H11...
Toàn thị trường chìm trong áp lực bán tháo với sắc đỏ áp đảo. Toàn sàn có 796 mã giảm giá (trong đó có 199 mã giảm kịch sàn và hàng trăm mã áp sát giá sàn khác). Chỉ riêng con số giảm sàn đã cao hơn toàn bộ 174 mã tăng giá trên thị trường.
Thanh khoản thị trường dù vậy vẫn ở mức khá thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn không hứng thú mua vào, tổng giá trị giao dịch đạt 13.212 tỷ đồng. Trong đó khớp lệnh sàn HoSE giảm 23% so với cuối tuần trước còn 10.065 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục phản ứng theo chiều hướng tiêu cực. Trên sàn HoSE, dòng tiền này mua vào 910 tỷ và bán ra 1.440 tỷ, tương đương bán ròng hơn 530 tỷ đồng. Các mã bị xả mạnh là HPG, STB hay DGC.
Theo giới chuyên gia, chứng khoán rớt mạnh vì ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như dự báo các đợt tăng mạnh lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất khiến dòng tiền bị hút về tiền gửi ngân hàng thay vì đưa vào chứng khoán.
Vì các nỗi lo về tương lai, giới đầu tư liên tục bán tháo chứng khoán khiến thị trường lao dốc không phanh. Thực tế, thị trường giảm mạnh điểm vì chứng khoán Mỹ lao dốc, đồng thời đồng USD mạnh khiến dòng tiền không còn lao vào chứng khoán.
Ngoài ra, dự báo lãi suất tăng mạnh khiến dòng tiền hướng đến kênh ngân hàng cũng là lý do chứng khoán rớt thảm.
Phương Thảo (t/h)