Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Lễ công bố Quyết định và đón nhận Bằng Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn (xã An Thọ, huyện An Lão) và hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng đỏ năm 2024. Ngày 30/4, tại Di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Khắc Cẩn, UBND huyện An Lão (TP. Hải Phòng) tổ chức Lễ dâng hương và chương trình “Viết thư pháp - gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt”.
Dự chương trình có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Giáo dục và Đào tạo; Bảo tàng Hải Phòng; Tạp chí Nghiên cứu Văn học và lãnh đạo, Nhân dân huyện An Lão.
Chương trình “Viết thư pháp - gìn giữ tinh hoa văn hóa Việt” nhằm mục đích đề cao sự học, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần thúc đẩy tinh thần hiếu học, xây dựng trí tuệ con người Việt Nam nói chung và người An Lão nói riêng. Đồng thời là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ, Nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn; tôn vinh đạo học, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt.
Tại chương trình, đại diện lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Đền thờ vị Tiến sĩ, nhà thơ yêu nước Lê Khắc Cẩn; thực hiện ký Bản thư pháp bằng chữ Quốc ngữ và chữ Nho để dâng và trưng bày.
Hơn 100 giáo viên và học sinh xuất sắc tiêu biểu thuộc các trường Tiểu học, THCS, Tiểu học và THCS, THPT, Trung tâm GDNN&GDTX trên địa bàn huyện đã tham gia viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Các bức thư pháp thể hiện các chữ: Học, Tâm, Tài, Xuân, An, Nhân, Nhẫn, Lễ, Hiếu, Nghĩa, Phúc, Đức, Thành, Đạt, Phúc...
Đền thờ Lê Khắc Cẩn là một công trình kiến trúc văn hoá, tín ngưỡng quan trọng của dòng tộc họ Lê, thôn Hạnh Thị nói riêng và nhân dân xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng nói chung. Đền là không gian để tưởng niệm và tôn thờ vị Tiến sĩ duy nhất, song nguyên Hoàng giáp duy nhất trong lịch sử truyền thống khoa bảng của thành phố Hải Phòng dưới triều Nguyễn.
Quỳnh Nga(t/h)