Video có sử dụng một số hình ảnh, tư liệu nguồn internet
Tăng cường kiểm tra việc chiết nạp gas lậu
Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia vừa có văn bản đề nghị BCĐ 389 các tỉnh, thành phố kiểm tra tình trạng chiết nạp gas lậu; chiếm giữ trái phép vỏ gas LPG của các thương hiệu.
Trước đó, Hiệp hội gas Hà Nội và một số đơn vị kinh doanh gas miền Bắc đã có văn bản gửi Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia về tình hình hiện nay hoạt động kinh doanh mặt hàng gas có những diễn biến phức tạp.
Tình trạng “cắt tai, mài vỏ” sang chiết gas lậu là thực tế nhức nhối nhiều năm nay. Một trong những hình thức được sử dụng nhiều nhất đó là tình trạng thu gom các loại bình gas của những thương hiệu khác đưa về “cải hoán” lại bằng cách mài mòn tên hãng gas in trên vỏ bình, mông má lại sau đó gắn tên công ty mình lên đó để cung cấp cho người tiêu dùng.
12 chất phụ gia thực phẩm gây ung thư
Nhóm công tác môi trường (Environmental Working Group - EWG), Mỹ đã từng công bố danh sách 12 loại chất phụ gia độc hại hàng đầu. Tổ chức này cho biết, các chất phụ gia thực phẩm có chứa hàm lượng lớn thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, có thể gây ra ung thư cho người sử dụng.
Danh sách các chất phụ gia độc hại bao gồm: chất chống oxy hóa Hydroxyanisole butylated (BHA); Hydroxytoluene butylated (BHT); chất kích thích Theobromine thường có trong socola; màu thực phẩm chứa Nitrat và nitrit; bột nở Kali bromat; các chất bảo quản Propyl paraben và Propyl gallate; “hương liệu tự nhiên”; phẩm màu nhân tạo; chất Diacetyl thường xuất hiện trong bỏng ngô; phốt phát và nhôm. Chất phụ gia đứng đầu danh sách là màu thực phẩm nitrates - nitrits và thứ 2 là bột nở Kali bromat.
Thu hồi lượng lớn máy rửa bát do nguy cơ cháy nổ
Hàng loạt nhà sản xuất máy rửa bát đã cùng kêu gọi việc thu hồi số lượng lớn sản phẩm với tổng số 469.000 máy rửa bát. Việc thu hồi này xuất phát từ những báo cáo của người tiêu dùng về việc dây điện trong máy quá nóng và gây ra cháy nổ khi chúng đang được sử dụng, thiệt hại về tài sản.
Trước đây 2 năm, hàng loạt nhà sản xuất lớn trên thế giới như Bosch, Thermador, Gaggenau và Jenn-Air đã từng cho thu hồi tổng số 663.000 máy rửa bát ở Hoa Kỳ và Canada. Tuy nhiên trong số đó vẫn còn 194 máy rửa bát đang được sử dụng.
Sau 2 năm, số người tiêu dùng báo cáo về việc dây điện trong máy rửa bát quá nóng nên đã gây ra hiện tượng cháy nổ, thiệt hại về tài sản ngày càng tăng lên. Vì vậy BSH Home Appliances đã thông báo thu hồi lại với Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng.
Vận chuyển trái phép hơn 2.000 sản phẩm son môi
Mới đây, tại khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Tổ kiểm soát thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh phối hợp với Trạm kiểm soát Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Quảng Đức tiến hành kiểm tra 1 đối tượng điều khiển phương tiện xe gắn máy đang vận chuyển 3 thùng carton nghi chứa hàng hóa nhập lậu.
Qua kiểm tra, phát hiện hàng chứa trong 3 thùng hàng gồm 2.160 sản phẩm mỹ phẩm (son môi) do nước ngoài sản xuất, nhãn hiệu Theskinface (Hàn Quốc).
Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng vận chuyển trái phép là Nguyễn Trí Bằng, sinh năm 1997 (Trú tại Phường Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) khai nhận số hàng được mua tại khu vực biên giới Trung Quốc giáp địa bàn thành phố Móng Cái; không xuất trình được chứng từ nguồn gốc hợp pháp.
Hải Phòng: Tạm giữ 10 container hàng nhái
Thông tin từ Công ty TNHH Nike Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu giày Converse), mặt hàng giày nhập khẩu tại các lô hàng trên mang nhãn hiệu Converse không phải là sản phẩm do Converse sản xuất hoặc cho phép sản xuất, phân phối...
Căn cứ Hiệp định quá cảnh hàng hóa giữa 2 nước Việt Nam và Lào, Cục Hải quan Hải Phòng đã kiểm tra thực tế các lô hàng trên do có nhiều dấu hiệu nghi vấn, vi phạm pháp luật.
Qua kết quả kiểm tra, xác minh của Cục Hải quan Hải Phòng và giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã xác định một lượng lớn hàng hóa là hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng đóng trong 10 container nêu trên. Hành vi vận chuyển, kinh doanh, quá cảnh hàng giả là vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.
PV (T/H)