THCL - Mới đây, tại buổi tọa đàm công bố tình hình kinh tế vĩ mô tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã đưa ra thêm nhiều nhận định sắc bén của riêng mình về những vấn đề thực tại của nông nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Đó là con số mà nông nghiệp chỉ tăng 1,36% trong năm 2016 - mức tăng trưởng thấp nhất từ năm 2011. Đó cũng là con số mà năng suất một người làm nông tạo ra thua 3,1 lần so với người làm dịch vụ và thua 3,4 lần so với người làm công nghiệp và xây dựng...
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Lý do mang tính bản chất ở đây chính là việc đầu tư của tất cả các thành phần kinh tế vào ngành này đã bị giảm liên tục trong nhiều năm qua. Một cách trừu tượng, có thể hiểu nông nghiệp năm nay kém đi giống như phần kết của một bộ phim mang màu sắc ảm đạm vậy.
Được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp đang bị lãng quên và chịu áp lực từ nhiều phía. Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, cần phải cải cách - thay đổi ngay, bởi ngành này đang tới điểm nghẽn tăng trưởng.
Kể từ khi tham gia WTO, tiền vốn được đổ vào nông nghiệp trước đây thì lại được đổ vào những ngành khác.
Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Trong những năm qua, khi mà chúng ta đổ dồn rất nhiều thứ vào phát triển những cái khác thì lại gần như lãng quên nông nghiệp. Tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp cứ tiếp tục sụt giảm. Nông nghiệp đang hứng chịu những hậu quả từ sự phát triển của các ngành khác.
Bà Lan bày tỏ: Trong khi nói DN tư nhân, DN FDI không chịu đầu tư, ngành nông nghiệp còn bị chính sự "ghẻ lạnh" của Nhà nước. Đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp cũng sụt giảm rất nhiều sau khi tham gia vào WTO so với trước đó. Nếu trước đó, nó là tỷ lệ 13,8% thì sau này, chỉ còn hơn 6%, tức là còn một nửa so với mức đầu tư trước đây.
Bà Lan còn cho rằng, sức ép của nông nghiệp trong hội nhập cũng cực kỳ to lớn. Khi TPP vẫn còn triển vọng lớn thì mọi diễn đàn về hiệp định này đều nói nông nghiệp sẽ chịu sức ép rất lớn. Không chỉ có TPP, các kênh khác nữa như ASEAN, Trung Quốc, EU... đều tăng sức ép lên nông nghiệp.
Thực ra, câu chuyện nông nghiệp sẽ gặp khó khăn này đã được các chuyên gia dự báo từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO ngót ngét 10 năm trước. Đến những năm gần đây, khi cơ hội tham gia TPP của Việt Nam lớn dần, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho cả nền kinh tế, các sức ép lên ngành nông nghiệp truyền thống Việt Nam lại được mang ra bàn thảo. Thế nhưng, đa phần các biện pháp thì vẫn còn năm trên giấy tờ.
Theo bà Lan, đột phá tái cơ cấu nông nghiệp không chỉ của riêng ngành NN&PTNT, mà của toàn bộ nền kinh tế từ đầu tư công, đầu tư của các lĩnh vực khác, của DN, cân đối giữa đầu tư phát triển tập trung cho nông nghiệp đến đâu cùng các ngành khác...
Đồng tình với quan điểm của chuyên gia Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, nông nghiệp là điểm tựa chủ đạo cho nền kinh tế, nhưng đang chịu gánh nặng rất lớn. Vì vậy, nông nghiệp đã đến lúc buộc phải thay đổi và phát triển.
Chuyên gia bày tỏ hý vọng công cuộc tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian tới đi được hướng mới tốt hơn năm trước, giảm bớt lãng phí, sai lầm có trong cách khai thác nông nghiệp. Quan trọng nhất là chất lượng, hiệu quả tính an toàn của thực phẩm và trong thương mại với việc hình thành chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc.
"Đây là cách mới cần phải làm, không làm như cũ được nữa bởi nếu không rất có thể nông nghiệp sẽ là gánh nặng lớn hơn cho nền kinh tế", bà Lan chia sẻ.
Ngọc Linh