Những kết quả tích cực
Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư 07/2017 chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng NK phải kiểm tra trước thông quan.
Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước thông quan, giúp giảm thời gian, chi phí cho DN.
Tiền kiểm sang hậu kiểm giúp DN dễ thở hơn
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuần đo lường chất lượng (Bộ KH&CN): “Sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn (hàng hóa nhóm 2) đều phải kiểm tra trước khi thông quan”.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp cùng 12 bộ, ngành, tổ chức rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2 để xem cái nào nên để, cái nào nên loại bỏ ra khỏi danh mục. Qua đó, Bộ tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để ban hành cơ chế hậu kiểm thay vì cơ chế tiền kiểm hiện nay - được áp dụng rộng rãi tại các bộ, ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.
Với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN, Bộ KH&CN đã rất nỗ lực, phối hợp chặt chẽ cùng 12 bộ, ngành rà soát, xem xét, trao đổi các biện pháp quản lý và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc không chỉ của DN, mà cả chính cơ quan quản lý chuyên ngành để xem còn những vướng mắc gì và đưa ra cách thức giải quyết. Các bộ, ngành cũng nỗ lực cùng chung tay với Bộ KH&CN để triển khai chủ trương này của Chính phủ.
Một số bộ, ngành đã đạt được những kết quả tích cực: Bộ KH&CN đã chuyển 91% nhóm sản phẩm hàng hóa trước đây phải tiền kiểm thì nay chỉ hậu kiểm; Bộ Xây dựng cắt giảm các nhóm hàng vật liệu xây dựng không cần phải kiểm tra tiền kiểm và Bộ Công thương bước đầu đưa các nhóm sản phẩm tiền kiểm sang hậu kiểm.
Hậu kiểm - đã sẵn sàng
Ông Linh cho biết, về phía Bộ KH&CN, tất cả cơ chế hậu kiểm hiện nay đã sẵn sàng, triển khai thực hiện trong thời gian qua.
Tiền kiểm, DN phải chứng minh tất cả các khía cạnh có khả năng rủi ro, gây mất an toàn cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi được đưa vào Việt Nam. Với hậu kiểm, có thể những tiêu chuẩn đó dựa trên mức độ rủi ro của hàng hóa có thể chứng minh sau và chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn do chính DN quyết định.
Nếu DN có ý thức bảo vệ thương hiệu, thì công tác hậu kiểm sẽ không khó khăn và không thể gọi là buông lỏng. Đối với các DN không quan tâm đến chất lượng hàng hóa của mình, hoặc cố tình gian dối trong việc đảm bảo chất lượng phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thì các cơ quan quản lý nhà nước sẽ vất vả hơn, khó khăn hơn trong việc xử lý hậu kiểm.
“Công tác kiểm tra không phải giảm bớt đi hay cắt ngắn, mà đơn giản là thay vì phải kiểm tra tất cả các công đoạn đó trước khi thông quan thì nay được chuyển sang sau thông quan. Nhưng họ vẫn phải đảm bảo các bằng chứng kỹ thuật để chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước là sản phẩm này đáp ứng quy chuẩn”, ông Linh nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam): “Chúng tôi đánh giá rất cao Thông tư 07/2017 của Bộ KH&CN. Theo đó, DN nào 3 lần thông quan liên tiếp mà không vi phạm pháp luật, được miễn kiểm tra trong vòng 1 năm. Đây là một xu hướng rất tốt. Nó đưa ra một thông điệp rất quan trọng đối với DN: Nếu nghiêm túc chấp hành thì thủ tục, cũng như chi phí thực hiện thủ tục hành chính sẽ được giảm”.
Đỗ Uyên