Toàn ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch XK trên 43 tỷ USD; 50% xã và ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ che phủ rừng trên 41,85%...

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp: Gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng - Hình 1

Phát triển thị trường nông sản

Theo đó, rà soát, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để có giải pháp chỉ đạo phù hợp; đồng thời, chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả.

Lĩnh vực trồng trọt, rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm; tiếp tục chuyển đất lúa, các cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa, cây dược liệu theo hướng công nghệ cao, có triển vọng thị trường tiêu thụ; sử dụng giống mới có năng suất và chất lượng cao; thực hiện các giải pháp, quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng cơ giới hóa và phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Kiểm soát tốt phòng, trừ sâu bệnh. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 1,78%.

Lĩnh vực chăn nuôi, điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường; tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, CN và bán CN; phát triển giống vật nuôi chất lượng cao, giống phù hợp với vùng sinh thái, cung ứng đủ giống cho sản xuất; mở rộng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và môi trường (VietGAP và các quy trình tương đương khác), tập trung chỉ đạo các biện pháp giám sát, chủ động phòng chống dịch bệnh và VSATTP. Tìm kiếm, mở rộng thị trường XK các sản phẩm chăn nuôi, ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,15%.

Ngành thủy sản, nâng cao chất lượng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chỉ đạo mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao; triển khai tích cực Kế hoạch phát triển ngành tôm, cá tra và các đối tượng nuôi khác theo lợi thế; tăng cường phòng chống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “Thẻ vàng” của EC; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế. Đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản theo công nghệ cao, bảo đảm ATTP. Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 4,69%.

Với ngành lâm nghiệp, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có; khôi phục hệ thống rừng ven biển; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; tăng cường ứng dụng KH&CN, hợp tác quốc tế, khai thông thị trường, triển khai thực hiện VPA/FLEGT; đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng… Độ che phủ rừng trên 41,85%; tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 6%.

Phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, ưu tiên chế biến tinh, chế biến sâu, nhất là các sản phẩm chủ lực như trái cây, cây CN, gỗ và lâm sản, tôm, cá tra, thịt lợn...; sản xuất các sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có GTGT cao hơn. Phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây hàng năm đạt 95%, khâu gieo trồng lúa đạt 45% và cơ giới hóa thu hoạch lúa đạt 60%.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ cả trong nước và XK. Phấn đấu kim ngạch XK năm 2019 đạt trên 43 tỷ USD, trong đó sản phẩm trồng trọt 21 tỷ USD, thủy sản 10,5 tỷ USD, lâm nghiệp 10,5 tỷ USD, nông sản khác 1 tỷ USD.

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Đẩy mạnh triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; chú trọng phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa và giữ gìn ANTT.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục chỉ đạo giải quyết tốt hơn một số vấn đề còn tồn tại về ATTP, bảo vệ sản xuất và NTD; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật quản lý chất lượng, ATTP nông - lâm - thủy sản.

Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch thanh kiểm tra chuyên ngành các cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về ATTP; tham gia tích cực hoạt động thanh kiểm tra liên ngành về ATTP. Phấn đấu năm 2019, tỷ lệ cơ sở SXKD thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đạt 98,5%; tỷ lệ cơ sở SXKD thủy sản và nông sản xếp loại C được nâng hạng A/B đạt 65%. Tỷ lệ mẫu thủy sản được giám sát đạt yêu cầu về tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất cấm đạt 98%; tỷ lệ mẫu sản phẩm động vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về hóa chất, kháng sinh đạt 90% và tỷ lệ mẫu sản phẩm thực vật chế biến được giám sát đạt yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật đạt 10%.

Đồng thời sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nông nghiệp, các công ty nông - lâm nghiệp; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển 15.000 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020”, phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, phấn đấu năm 2019 thành lập mới 2.100 HTX, nâng tổng số lên 15.500 HTX, có 11.250 HTX NN hoạt động hiệu quả.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thu hút DN đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, CN chế biến, phấn đấu năm 2019, thành lập mới 2.300 DN nông nghiệp, nâng tổng số trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 11.535 DN; nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị có hiệu quả; nâng cao hiệu quả kinh tế hộ.

Đặc biệt, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành; thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN vào SXKD, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc CMCN 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương với EU, các nước châu Á, châu Mỹ, châu Phi, Mỹ La tinh. Tập trung đàm phán tháo gỡ các rào cản TM, phát triển thị trường XK hàng nông - lâm - thủy sản; tiếp tục tập trung tháo gỡ thẻ vàng đối với hàng thủy sản NK vào EC. Tổ chức thực hiện hiệu quả Hiệp định VPA/FLEGT nhằm tăng cường quản trị rừng, chống khai thác gỗ bất hợp pháp và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp XK sang EU.

Xây dựng và trình Chính phủ ban hành 10 nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và các luật khác được giao hướng dẫn. Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp...

Châu Giang