Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Cơ chế để Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng hiện nay

Khái niệm “cơ chế” (mechanism) thường được hiểu là: “Cách thức theo đó, một quá trình được thực hiện”[1] hoặc “Cách thức sắp xếp, tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”[2].

Cơ chế và cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng: Quan niệm và các yếu tố cấu thành

Khái niệm “cơ chế” (mechanism) thường được hiểu là: “Cách thức theo đó, một quá trình được thực hiện”[3] hoặc “Cách thức sắp xếp, tổ chức để làm đường hướng, cơ sở theo đó mà thực hiện”[4]. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giảng nghĩa “cơ chế" (mécanisme) là cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố phụ thuộc vào nhau. Từ đó, cơ chế được hiểu là: Cách thức, quy trình hoạt động của một tập hợp các yếu tố có liên quan, phụ thuộc lẫn nhau để đạt được một mục tiêu nhất định (cơ chế vận hành, cơ chế quản lý, cơ chế xử lý…).

Theo cách hiểu này, cơ chế là khái niệm được cấu thành bởi các yếu tố chính sau đây:

Tập hợp các bộ phận trong một hệ thống nhất định, mỗi bộ phận có chức năng, phương thức hoạt động riêng nhưng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau để cùng hướng tới thực hiện những chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu chung được xác định. Trong số đó, có bộ phận đóng vai trò tổ chức, bộ máy và yếu tố con người thiết kế, vận hành. Đây là yếu tố vật chất của cơ chế, tức là thiết chế.

Cả hệ thống nói trên được tổ chức và vận hành theo một cách thức, quy trình hợp lý, chặt chẽ theo những nguyên tắc, quy phạm nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động của từng bộ phận vừa thực hiện đúng chức năng, phương thức của mình, nhưng phải hướng đến thực hiện chức năng, mục tiêu chung của cả hệ thống. Yếu tố này chính là môi trường, khuôn khổ pháp lý, chính sách của cơ chế - đó là thể chế của cơ chế.

Như vậy, cơ chế là một khái niệm bao hàm trong nó cả thiết chế và thể chế.

Cơ chế hiện diện ở nhiều phạm vi, cấp độ trong đời sống xã hội, bên cạnh cơ chế chính thức do nhà nước xác lập và vận hành, còn có sự tham gia điều chỉnh của cơ chế phi chính thức (cơ chế xã hội/cơ chế ngoài nhà nước). Thực tế cho thấy, trong những trường hợp nhất định, cơ chế phi chính thức có thể hỗ trợ hoặc cản trở cơ chế chính thức tùy thuộc vào mức độ tương quan giữa chúng về mục tiêu, lợi ích chung và cách thức vận hành.

Từ đó, có thể hiểu: Cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng là một tổng thể hợp lý, hài hòa giữa thể chế và thiết chế chính trị - pháp lý đảm bảo cho Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng là một tổng thể các yếu tố cấu thành dưới đây.

Về thể chế:

Thể chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng, bao gồm các bộ phận nền tảng, cơ bản sau.

Các văn kiện chính trị của Đảng:

QĐ 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”. Quy định này là cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng đảng bằng phương thức trực tiếp và gián tiếp (thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội); QĐ 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về “Ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội”. Đây là cơ chế để Nhân dân tham gia xây dựng đảng bằng phương thức gián tiếp thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Để thực hiện các quyết định trên, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 30-HD/BDVTW ngày 10/02/2014 “Hướng dẫn thực hiện các QĐ 217, 218 của Bộ Chính trị”.

Bên cạnh đó, cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng còn được xác lập bởi các quy định khác của Đảng, như: QĐ số 99-QĐ/TW ngày 3/10/2017 của Ban Bí thư về ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái - "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”; Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư “Về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị “Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”.

Mặt khác, để Nhân dân tham gia xây dựng đảng về chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã bàn hành Hướng dẫn số 151- HD/BTGTW ngày 10/09/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương “Hướng dẫn việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến của Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng”.

Các quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan

Khoản 2, Điều 2 của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…”; Điều 3 quy định: “Nhà nước đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân…”; Khoản 2, Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; Điều 25 của Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này, do pháp luật quy định”.

Luật Bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND năm; Luật Tiếp công dân năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Tố cáo năm 2018; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 năm 2007 của UBTVQH về “Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.

Để thực hiện các luật, pháp lệnh nói trên, Chính phủ và các bộ đã cụ thể hóa bằng một số nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện. Chẳng hạn, Bộ Tài chính có Thông tư số 337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 “Quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBTWMTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”...

Văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội

Các cơ quan nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã cụ hóa bằng các nghị quyết, quyết định, thông tư, thông tri để triển khai thực hiện các QĐ 217, 218 của Bộ Chính trị.

Đó là: NQ liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP ĐCTUBTWWMTTQVN ngày 15/06/2016 của Chính phủ - UBTVQH - Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam “Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam”; MTTQ Việt Nam ban hành các văn bản Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17/4/2014 “Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế giám sát và phản biện xã hội” và “Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”, Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT, ngày 21/07/2017 “Hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam”, Thông tri số 25 TTr-MTTW-BTT ngày 10/08/2017 “Hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại xã, phường, thị trấn”; Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT ngày 22/09/2020 “Hướng dẫn UBMTTQ Việt Nam các cấp thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ”; Hội LHPN Việt Nam ban hành QĐ số 1408/QĐ - ĐCT ngày 04/05/2018 “Quy định về việc Hội LHPN Việt Nam tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền và phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái - “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”...

Để triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở Tây Nguyên đã cụ thể bằng các nghị quyết, quyết định, hướng dẫn để Nhân dân tham gia xây dựng đảng bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp.

Tỉnh ủy Gia Lai có QĐ số 553-QĐ/TU, ngày 14/03/2017 về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh” và QĐ số 554-QĐ/TU, ngày 14/03/2017 về “Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền”.

Tỉnh ủy Kon Tum có QĐ số 1318-QĐ/TU ngày 20/05/2014“Quy định về trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo QĐ 218-QĐ/TW”, QĐ số 1408-QĐ/TU ngày 25/09/2014 ban hành“Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn” và Quy định số 02-QĐi/TU “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái - “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ””.

Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành QĐ số 1343-QĐ/TU, ngày 31/10/2014 về “Quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo QĐ 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị”. Trên cơ sở các quy chế, quy định của Tỉnh ủy, cấp ủy cấp dưới đã cụ thể hóa và ban hành các văn bản của cấp mình để thực hiện.

Về phía các ban đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các địa phương cũng đã ban hành các hướng dẫn thực hiện, như: Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai có Hướng dẫn số 17–HD/BDVTU ngày 14/05/2017 “Hướng dẫn thực hiện QĐ số 217 và 218-QĐ/TW”. MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai có Hướng dẫn số 666/HD-MT ngày 16/05/2014 “Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; Hướng dẫn số 45/HD-BCH, ngày 26/06/2014 của Hội LHPN tỉnh Gia Lai “Hướng dẫn thực hiện QĐ217-QĐ/TW”... HĐND tỉnh đã thế chế hóa ban hành nghị quyết để thực hiện QEDD 217-QĐ/TW. HĐND tỉnh Gia Lai có NQ số 67/2017/NQ-HĐND ngày 13/07/2017 về việc “Áp dụng trực tiếp nội dung, mức chi cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội quy định tại Thông tư số 337/2016/TT-BTC, ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính”; HĐND tỉnh Đắk Lắk ban hành NQ số 29/2017/NQ-HĐND ngày 11/10/2017 “Quy định nội dung, mức chi hoạt động giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk và các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương”...

Thể chế nói trên, bao hàm trước hết, các quy phạm chính trị của Đảng, các quy định của Hiến pháp và pháp luật với tư cách là bộ phận chủ yếu, các quy phạm xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội. Thể chế đó là nguyên tắc, môi trường, khuôn khổ chính trị - pháp lý - xã hội cho hoạt động tham gia xây dựng đảng của Nhân dân nói chung, Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói riêng. Nó quy định các hình thức, phạm vi, nội dung, phương pháp, tổ chức, điều kiện đảm bảo cho sự tham gia xây dựng đảng của cá nhân, tập thể, cộng đồng dân cư; mối quan hệ công tác (phân công, phối hợp, kiểm soát) giữa các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư, cá nhân nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt độngcủa các chủ thể theo một định hướng được xác lập. Đây là thể chế chính thức.

Về thiết chế

Từ cơ sở thể chế trên đây, thiết chế của hoạt động tham gia xây dựng đảng của Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên, bao gồm:

Cấp ủy, tổ chức đảng: Đảng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Trong đó, cấp ủy các cấp và tổ chức cơ sở đảng đóng vai trò trọng yếu; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy; đảng ủy, chi bộ của các cơ quan nhà nước; đảng ủy, chi bộ trong các tổ chức chính trị - xã hội; chi bộ trong các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Chính quyền địa phương từ cấp tỉnh xuống cơ sở.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội – nghề nghiệp các cấp ở Tây Nguyên.

Các tổ chức cộng đồng dân cư (thôn, tổ dân phố, buôn…) và người đứng đầu các tổ chức đó (thôn trưởng, tổ trưởng, già làng, trưởng bản…)

Các tổ chức trên đây được thành lập trên những cơ sở pháp lý - chính trị cụ thể quy địnhchức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và phạm vi hoạt động rõ ràng với tư cách là bộ phận của hệ thống chính trị, là tổ chức thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, từ cấp tỉnh đến cơ sở và cánh tay nối dài của cấp cơ sở. Các tổ chức nói trên có sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động. Theo đó, mỗi tổ chức đều có vai trò nhất định trong thiết chế để Nhân dân tham gia xây dựng đảng. Song, phải khẳng định rằng, vai trò chủ đạo luôn thuộc về các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vai trò của cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng

Trong tổng thể hoạt động tham gia xây dựng Đảng của Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên, cơ chế có vai trò rất quan trọng và không thể thay thế, được thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau.

Thể chế là phương tiện chuyển hóa đường lối, nguyên tắc chính trị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các quy định của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về sự tham gia của Nhân dân vào đời sống chính trị ở địa phương nói chung, tham gia xây dựng đảng nói riêng. Trong đó, quy định các quyền và nghĩa vụ của chủ thể tham gia, các nội dung, hình thức, phạm vi, phương pháp tham gia xây dựng đảng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong một số trường hợp, thể chế chính thức có thể xung đột với thể chế không chính thức (phong tục, tập quán, luật tục) đang tồn tại khách quan trong các địa phương Tây Nguyên. Vì thế, cần có phương pháp vận dụng phù hợp để phát huy sự tương tác tích cực, thuận lợi và loại trừ những xung đột bất lợi ở mức cao nhất.

Thực tế cho thấy, không có một thể chế hợp lý, tương đối hoàn thiện cả về nội dung và hình thức thể hiện sẽ không có được môi trường, khuôn khổ chính trị - pháp lý phù hợp để điều chỉnh hành vi/hoạt động của chủ thể; không có tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực vận hành phù hợp (thiết chế); cũng không có căn cứ tổ chức và tiến hành các hoạt động thực thi, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Cho nên, cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng, thiết chế chính là nền tảng, linh hồn của cơ chế đó.

Thiết chế đảm bảo cho sự tham gia xây dựng Đảng của Nhân dân chính là tổ chức bộ máy của Đảng, của chính quyền địa phương và tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp các cấp ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó là các hình thức tổ chức tự quản của Nhân dân ở cơ sở (thôn, làng, buôn, tổ dân phố…). Gắn liền với những tổ chức này là Nhân dân địa phương, trong đó, nòng cốt là đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, thành viên các tổ chức chính trị - xã hội, người đứng đầu các tổ chức tự quản ở cơ sở. Về nguyên tắc, các tổ chức này phải được thiết kế, vận hành và kiểm soát theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền trên cơ sở phân công quyền lực; có mối quan hệ mật thiết và hiệu quả trong phối hợp với nhau.

Cơ chế là phương tiện để kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động tham gia xây dựng đảng của Nhân dân ở các cấp địa phương. Điều này được thể hiện ở cả thể chế và thiết chế của nó. Theo đó, thể chế sẽ đóng vai trò là quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc, quy phạm cụ thểcho nội dung, hình thức, phạm vi, phương pháp kiểm tra, giám sát; trách nhiệm hành vi vi phạm và các chế tài áp dụng tương ứng… Thiết chế là các tổ chức, bộ máy và yếu tố con người sẽ là yếu tố vật chất để tổ chức thực thi thể chế nói trên. Vai trò này của cơ chế, không chỉ là điều kiện rất quan trọng đảm bảo cho sự tham gia xây dựng đảng của Nhân dân được hiện thực hóa đúng đắn, hiệu quả, mà còn đảm bảo tính pháp chế nghiêm minh của cơ chế.

Một số lưu ý khi xây dựng, vận hành cơ chế nói chung, cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng nói riêng

Thứ nhất, cơ chế là sản phẩm của mối quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau giữa thể chế và thiết chế. Theo đó, thể chế quy định nguyên tắc, cách thức, quy trình tổ chức và hoạt động của một hệ thống thiết chế. Về phía mình, sự tồn tại và vận động của một thiết chế là hiện thân và kết quả của một thể chế tương ứng. Vì thế, không có thể chế thì không có thiết chế và thiết chế là “con đẻ” của một thể chế nhất định. Cho nên, mức độ hợp lý, ăn khớp và hiệu lực, hiệu quả giữa thiết chế và thể chế sẽ là tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ chế.

Ngoài những yếu tố tác động chung đối với cơ chế như quyền lực, năng lực nhận thức, lợi ích…, thì quá trình xác lập và vận hành, cơ chế còn chịu sự tác động của những nhân tố khách quan và chủ quan khác (nhân tố quốc tế và khu vực, những biến đổi nhanh trong đời sống xã hội, năng lực vận hành của con người…).

Thứ hai, cơ chế do con người xây dựng và vận hành, là sản phẩm nhận thức, phản ánh nhu cầu, lợi ích, mục tiêu của con người được đại diện bởi nhà nước hoặc những thiết chế, tổ chức nhất định trong xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Do đó, trình độ nhận thức và phạm vi đại diện cho nhu cầu, lợi ích và năng lực của con người khi xây dựng và vận hành thể chế, cơ chế sẽ là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả của chúng đối với hoạt động chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Bởi vậy, các nhân tố chủ quan, nhất là nhân tố lợi ích của con người có thể tác động tích cực, không tích cực hoặc vừa tích cực lại vừa không tích cực đến cơ chế. Vì thế, xây dựng và hoàn thiện cơ chế mà bỏ qua hoặc xem nhẹ yếu tố chủ quan với tư cách là chủ thể, mục tiêu, động lực luôn là sai lầm.

Thứ ba, thực tế cho thấy, không thể có một cơ chế luôn phản ánh đúng quy luật khách quan, hoàn toàn hợp lý và trường tồn. Thể chế, thiết chế và cơ chế nói chung - là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong khi đó, thực tiễn lại luôn biến đổi nhanh chóng, phức tạp và có không ít những yếu tố khó lường. Bởi vậy, ngoại trừ những trường hợp được dự liệu tốt, có khả năng đi trước, mở đường cho thực tiễn thì nhìn chung, các thể chế, cơ chế có xu hướng chậm bắt kịp những biến đổi của xã hội, trở nên không còn phù hợp, thậm chí lạc hậu và cản trở sự phát triển. Cho nên, việc nhận diện thực trạng thể chế, cơ chế để phát hiện những hạn chế, bất cập nhằm điều chỉnh, hoàn thiện chúng là yêu cầu khách quan, cấp thiết của Nhà nước và xã hội.

Tóm lại, cơ chế để Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên tham gia xây dựng đảng là một chỉnh thể bao gồm các bộ phận cấu thành (thể chế, thiết thế) có nội dung, phạm vi như đã trình bày, có mối liên hệ khách quan, hữu cơ. Nhờ đó, cơ chế này có vai trò rất quan trọng trong việc thể chế hóa, kiến tạo các điều kiện về tổ chức, con người nhằm đảm bảo tính hiện thực và hiệu quả cho sự tham gia xây dựng đảng của Nhân dân các dân tộc ở Tây Nguyên hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 Về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

- Ban thường trực UBTWMTTQ Việt Nam, Thông tri số 28/TTr-MTTW-BTT ngày 17/04/2014 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế giám sát và phản biện xã hội; Quy định về MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

- Ban thường trực UBTWMTTQ Việt Nam, Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT, ngày 21/07/2017 Hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

- Bộ Chính trị (Khóa XI), QĐ 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013Về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; QĐ 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 ban hành Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

- Bộ Chính trị (Khóa XII), QĐ số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

- Nguyễn Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, 2010.

- Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa – Thông tin, 1998.

- Quốc hội, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (Bổ sung, sửa đổi năm 2013).

- Tỉnh ủy Gia Lai, QĐ số 553-QĐ/TU, ngày 14/03/2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh; QĐ số 554-QĐ/TU, ngày 14/03/2017 về Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

- Tỉnh ủy Kon Tum, QĐ số 1318-QĐ/TU ngày 20/05/2014 Quy định về trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; QĐ số 1408-QĐ/TU ngày 25/09/2014 ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn; Quy định số 02-QĐ/TU Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Tỉnh ủy Đắk Lắk, QĐ số 1343-QĐ/TU, ngày 31/10/2014 về Quy định trách nhiệm tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp theo QĐ 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

[1] Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Hoàng Phê (Chủ biên), Nxb Từ điển Bách khoa, 2010, tr.285.

[2] Đại Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nxb Văn hóa – Thông tin, 1998, tr.464.

[3] Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Hoàng Phê (Chủ biên), Nxb Từ điển Bách khoa, 2010, tr.285.

[4] Đại Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (Chủ biên), Nxb Văn hóa – Thông tin, 1998, tr.464.

Trần Văn Phương - Học viện Chính trị khu vực III

Bài liên quan

Tin mới

Long An: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày 6 - 7/6
Long An: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra vào ngày 6 - 7/6

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm học 2024-2025 của tỉnh Long An sẽ diễn ra vào ngày 6 - 7/6/2024 với 3 môn thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Chính phủ thông qua đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng
Chính phủ thông qua đề nghị Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực sớm hơn 6 tháng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 17/5/2024 thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 197 Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và khoản 1, Điều 82 Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15.

Lý do lãnh đạo Trường Thành Group bán ra 2 triệu cổ phiếu
Lý do lãnh đạo Trường Thành Group bán ra 2 triệu cổ phiếu

Lãnh đạo CTCP Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group, mã TTA - sàn HOSE) bán ra 2 triệu cổ phiếu, giảm sở hữu về 5,34% vốn điều lệ.

Bắc Giang công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về kỳ thi vào lớp 10
Bắc Giang công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về kỳ thi vào lớp 10

Nhằm kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Giang vừa thông báo số điện thoại đường dây nóng.

Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên dương 162 học sinh giỏi tiêu biểu
Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên dương 162 học sinh giỏi tiêu biểu

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu  tặng Bằng khen cho 12 giáo viên xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; 162 học sinh đạt giải tại các kỳ thi cấp quốc gia và cấp tỉnh trên nhiều lĩnh vực.

Chứng khoán phiên chiều 17/5: Đua mua cổ phiếu chăn nuôi, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng tới gần 870 tỷ đồng
Chứng khoán phiên chiều 17/5: Đua mua cổ phiếu chăn nuôi, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng tới gần 870 tỷ đồng

Mặc dù cũng tham gia vào cuộc gom cổ phiếu nhóm chăn nuôi với tâm điểm là cặp đôi HAG và DBC, nhưng đà bán mạnh cổ phiếu bluechip khiến khối ngoại có phiên bán ròng tới gần 870 tỷ đồng.