Ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu tại hội thảo ((Ảnh: VietQ)
Ngày 23/11, Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP. Hà Nội (Hatap), Công ty Vina CHG và Cổng Truyền thông chống hàng giả Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Các giải pháp chống hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Trong thời gian qua, công tác chống hàng giả, hàng nhái nói chung và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam vẫn luôn là mối quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại hội thảo, ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng chưa biết kết nối với lực lượng chức năng, chính quyền để giải quyết.
Hàng giả, hàng nhái diễn ra ở nhiều lĩnh vực, địa bàn và có yếu tố quốc tế, tính chất tổ chức cao. Mặc dù có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, kết quả đạt được đã có, như tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển không còn nhiều như trước...
Hàng giả diễn ra là vấn đề toàn cầu, kể cả nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu… nhưng có thể nói không có quốc gia nào mà hàng giả diễn ra rộng khắp các lĩnh vực, ngành hàng, không gian, thời gian từ thực phẩm chức năng, thuốc tân dược... như ở nước ta.
Hoạt động sản xuất hàng giả tinh vi hơn, hàng có giá trị lớn hơn nhiều, có yếu tố xuyên quốc gia. Qua theo dõi, đã phát hiện có những doanh nghiệp lớn, sang Campuchia, châu Âu để đặt hàng giả, hàng nhái những thương hiệu nổi tiếng, sau đó đưa hàng về trong nước tiêu thụ, thương hiệu Việt như May Việt Tiến đều có hàng từ Quảng Châu đưa về.
Trong đấu tranh, số vụ đã giảm dần, nếu năm 2014 phát hiện 21.000 vụ, tới năm 2015 còn hơn 13.000 vụ, 2016 còn 589 vụ, tuy nhiên, trong 10 tháng 2017, phát hiện 3.861 vụ.
Theo ông Ba, từ nay tới cuối năm, sẽ tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, thực hiện nghiêm Nghị quyết 41.
Hội thảo cũng là nơi giúp các doanh nghiệp kết nối, trình bày và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cũng như kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các công tác liên quan tới bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Ông Trần Thế Kha, đại diện Công ty NGK Việt Nam đề xuất 4 giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần nghiêm khắc kiểm soát, quản lý hàng nhập khẩu phi pháp. Thứ hai, tăng chế tài/hình phạt đối với tội làm hàng giả và nhập hàng giả phi pháp. Thứ ba, có các chính sách phù hợp để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu của nhà đầu tư nước ngoài. Thứ tư, cơ quan thực thi thực hiện đúng và đủ theo thẩm quyền.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Vina CHG, đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp chống hàng giả mang tính pháp lý áp dụng công nghệ cao ở Việt Nam đã gửi đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng những thông tin, xu hướng công nghệ chống hàng giả mới, bảo vệ thương hiệu trong thời đại 4.0.
Đặc biệt, tại Hội thảo có trưng bày các sản phẩm thương hiệu, uy tín, các sản phẩm có dấu hiệu làm giả của các doanh nghiệp và hướng dẫn truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Trần Nguyên