Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 1

Phó chánh Văn phòng BCĐ 389/QG - Trương Văn Ba

Phó chánh Văn phòng BCĐ 389/QG - Trương Văn Ba: Quản lý còn bất cập

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái, trong đó NTD vẫn chưa trang bị đầy đủ kiến thức tiêu dùng, còn tâm lý ham rẻ; một số DN chưa theo sát thị trường, né tránh, ngại đụng chạm; công tác quản lý còn bất cập, sao nhãng trong đấu tranh, tạo kẽ hở cho hàng giả, hàng nhái phát triển. Việc cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy còn bất cập; sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ, có khi nhiều cơ quan quản lý, nhưng không ai chịu trách nhiệm chính.

Thời gian tới, BCĐ 389/QG sẽ tích cực tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo tiến hành nhiều giải pháp như nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người đứng đầu; chỉ đạo các bộ, ngành sớm thực thi đầy đủ các quy định về sở hữu trí tuệ… để hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh chân chính, tăng cường công tác kiểm tra hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 2

Phó TBT Báo Công an Nhân dân - Đại tá Trần Kim Thẩm

Phó TBT Báo Công an Nhân dân - Đại tá Trần Kim Thẩm: Mới cắt ngọn vấn nạn

Hàng giả, hàng nhái đã trở thành một vấn nạn - thực trạng nhức nhối, lây lan nhanh, ngày càng tinh vi, tàn phá nền kinh tế, gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, cũng như đời sống xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn đã tồn tại, hoành hành trong một thời gian dài, như: Thuốc giả của Công ty CP VN Pharma (TP. HCM); khăn lụa Trung Quốc “đội nốt” Việt Nam của Tập đoàn Khaisilk (Hà Nội); mỹ phẩm không rõ nhãn mác của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (Hà Nội); một số vụ phân bón giả… Các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt ngọn, chưa đủ sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn từ gốc rễ. Yêu cầu cấp bách đang được đặt ra đó là cần sự chung sức và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, xã hội.

Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 3

Chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) - Nguyễn Thị Huyền Trang

Chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) - Nguyễn Thị Huyền Trang: Tính thực thi còn yếu

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, rẻ về giá thành và phong phú về chủng loại. Hầu hết các hãng có uy tín, thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái; thủ đoạn làm hàng giả thường thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi hơn.

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn mới đối với Việt Nam nên nhận thức chung chưa cao; nguồn nhân lực quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu và yếu; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong phòng chống hàng giả, hàng nhái còn hạn chế; chế tài chưa đủ sức răn đe. DN chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý xâm phạm, tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của mình bị làm giả... Tất cả, đã khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 4

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi

Đại diện Công ty TNHH Sản xuất Duy Lợi: Nâng chế tài xử lý

Thời gian qua, mặt hàng của Công ty Duy Lợi đã nhiều lần bị các đối tượng làm giả. Vì vậy, khi DN lên tiếng kêu cứu, giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết vụ việc, trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các DN.

Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các DN làm ăn chân chính; nâng cao chế tài - xử phạt mạnh tay đối với các hành vi vi phạm, để lấy đó làm cơ sở răn đe đối với các tổ chức, cá nhân đã - đang và sẽ có ý định sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho sai phạm.

Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 5

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP. HCM - Phan Thị Việt Thu

Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng TP. HCM - Phan Thị Việt Thu:
Mua hàng đúng nguồn gốc

Thực tế, việc phân biệt hàng gian, hàng giả rất khó, vì các đối tượng làm hàng giả giống y chang hàng thật. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin để phân biệt. Người tiêu dùng khi mua hàng hóa, phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ, các thông tin liên quan đến sản phẩm và phải có hóa đơn, chứng từ. Nếu phát hiện mua phải hàng giả, hàng nhái thì cần thông tin đầy đủ đến cơ quan nhà nước. DN cần chú trọng quảng bá sản phẩm, hướng dẫn người tiêu dùng đề phòng các thủ đoạn làm giả và kênh phân phối hàng giả.

Thời gian qua, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái chưa quyết liệt, do nguồn lực của cơ quan chức năng còn hạn chế; tâm lý người tiêu dùng sính ngoại, giá rẻ; nhiều văn bản ban hành, nhưng hiệu lực thực thi còn thấp, chưa theo kịp diễn biến thực tế... nên kết quả trong công tác này chưa đạt được như kỳ vọng.

Đấu tranh chống hàng giả: Khó cũng phải mạnh tay - Hình 6

TGĐ Công ty CP Điện tử kinh tế VN Vina groups - Phạm Xuân Huy

TGĐ Công ty CP Điện tử kinh tế VN Vina groups - Phạm Xuân Huy: Xử lý quyết liệt hơn

Hàng hóa đi theo một chuỗi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, vì thế muốn ngăn chặn nạn hàng giả thì cần phải quan tâm đến những vấn đề như bảo hộ thương hiệu, phân phối sản phẩm, quản lý về quảng cáo trên nhiều phương tiện. Cơ quan chức năng cần có những chính sách khuyến khích người tiêu dùng trong việc đưa hàng giả ra ánh sáng, xử lý mạnh và quyết liệt những vi phạm.

Phải có sự liên kết giữa những lĩnh vực chuyên môn, chuyên sâu, đồng bộ hệ thống. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng nên phối hợp với khâu vận chuyển logistic cho đến khâu thanh toán, có như vậy mới phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm, làm hàng giả…

            Nguyễn Kiên (Ghi)