Tiếp chúng tôi tại căn phòng nghiên cứu khoa học rộng chưa đầy 10m2, ngổn ngang đủ thiết bị, máy móc, dây điện, bảng từ, cô Hà chỉ tay xuống nền nhà giới thiệu về thiết bị PSE có gắn sỏi để giúp trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề kỹ năng sống thiết yếu vừa nhận được giải thưởng “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018.
Thiết bị PSE chính là chuỗi những hình ảnh, âm thanh, biểu cảm giúp trẻ mắc hội chứng down, tự kỷ học chữ cái. Thiết bị này tương tác trực tiếp với trẻ thông qua thảm thông minh được gắn chíp cảm biến và sỏi mát xa, giúp tăng khả năng vận động, tuần hoàn máu dưới lòng bàn chân, từ đó tác động đến não bộ, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ, sức đề kháng.
Cô giáo Dương Thị Thu Hà cùng các em học sinh thực hiện dự án hỗ trợ trẻ mắc bệnh Down học chữ cái thông qua các chủ đề kỹ năng sống với thiết bị PSE (Pictures, Sounds, Expressions) do cô cùng học sinh tự nghiên cứu, thiết kế và chế tạo. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
“Khi trẻ vận động, chân chạm váo các chíp cảm biến dưới viên sỏi thì trên màn hình máy tính sẽ hiện lên các chữ cái giúp trẻ đọc theo. Thêm nữa phầm mềm còn có khả năng tương tác rất cao bằng cách động viên, thúc giục trẻ liên tục vận động làm theo”- cô Hà chia sẻ về sáng chế của mình.
Chia sẻ về lý do thực hiện dự án đầy ý nghĩa này, cô Hà cho biết, trước đây nhà trường hay thực hiện các chuyến từ thiện tới làng trẻ Hoà Bình hoặc các tỉnh Thái Bình, Hoà Bình.
Cô nhớ lại: “Lang thang ở các làng trẻ, mình nhận thấy sự vất vả của các thầy cô trong việc chăm sóc trẻ bị mắc down. Có những bạn dù đã 40 tuổi vẫn ngồi tô vẽ chữ. Mình thấy việc học chữ là động lực, là niềm vui của những bạn mắc hội chứng down và phụ huynh của các bạn ấy. Mỗi ngày chỉ cần bố mẹ các bạn ấy nhìn thấy con phân biệt được màu sắc, hay đọc được một chữ cái đã là cả một niềm hạnh phúc to lớn”.
Từ các trải nghiệm qua những lần đi từ thiện đó, cô Hà cùng các bạn học sinh đã nghĩ tới việc cần có một thiết bị giúp trẻ mắc down biết đọc. Trong hơn nửa năm trời nghiên cứu nhóm nghiên cứu của trường THPT Lê Lợi đã thường xuyên sang làng trẻ Hoà Bình để tiếp xúc và thử nghiệm thiết bị PSE.
Với sáng chế này, năm 2018 cô Hà đã vinh dự nhận được giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” .
Cô Dương Thu Hà (bên trái) cùng học sinh nhận “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018. Ảnh: I.T
Mong muốn của cô Hà lúc này chính là được nhà nghiên cứu và một số bên tài trợ để có thể hoàn thiện và phát triển sản phẩm làm gia tăng giá trị để đóng góp cho cộng đồng.
Lịch dạy kín bưng, thêm cả lịch nghiên cứu và chăm sóc gia đình khiến một ngày làm việc của cô Dương Thị Thu Hà lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
“Thường buổi sáng mình dạy sớm gọi các con dậy học bài, nhân tiện mình đi chợ về chuản bị ăn sáng rồi đưa các con đi học, đi dạy. Chiều về có hôm nấu cơm, có hôm ở lại trường cùng nhóm nghiên cứu khoa học nghiên cứu tới tận khuya. Có hôm bận quá không thể sắp xếp được phải gọi cả mẹ ở quê lên hỗ trợ”, cô Hà nói.
Không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, say mê nghiên cứu, cô còn là người có tấm lòng nhân ái, biết kêu gọi cộng đồng chung tay làm việc thiện.
“Bản thân tôi muốn hướng các em hiểu được giá trị thực sự của sự chia sẻ, đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Bởi vậy, thay vì để các em xin tiền bố mẹ, tôi đã tổ chức dự án trồng hoa tulip để làm từ thiện. Các em được trực tiếp đưa tới mô hình vườn trồng hoa Tulip, được nhận 1-2 cây hoa và tự tay trồng, chăm sóc cho tới khi có thành phẩm. Các con sẽ là người có trách nhiệm bán các thành phẩm này để tạo quỹ từ thiện” – cô Hà tâm sự.
Năm học 2017 – 2018, cô Hà xây dựng thí điểm mô hình lớp học trải nghiệm thực tế với các chuyến đi học tập thực tế theo mô-đun học tích hợp kiến thức với trải nghiệm thực tế. Trong đó, chuyên đề dạy học qua trải nghiệm “Học sinh Thủ đô trồng hoa Tulip gắn với hoạt động từ thiện”. Số tiền lãi thu được 4.750.000 đồng/lớp trong 1 tháng đã được học sinh của cô trực tiếp đi từ thiện tại Thanh Sơn (Phú Thọ).
Hải Nam_Trịnh Uyên