Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam và Chủ tịch EY Consulting VN, Phó chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng cho biết: “Bối cảnh 2025: Dự kiến khoảng một phần ba doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Xu hướng số phổ biến hiện nay trên các phân khúc Bán lẻ, Doanh nghiệp & SME trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam đó là sáng tạo dựa trên kĩ thuật số, các dịch vụ tùy chỉnh, trải nghiệm đồng bộ các kênh, hỗ trợ 24/7 thời gian thực, đáp ứng thức thì nhu cầu của khách hàng, số hóa các kênh truyền thống”.

Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng ban, Ban Nghiên cứu & Điều Phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã đưa ra thực trạng về ngân hàng số tại Việt Nam. Hiện tại, số ATM: gần 20 nghìn chiếc; POS: khoảng 276 nghìn thiết bị; số thẻ nội địa đang lưu hành 94 triệu, trong đó thẻ Quốc tế khoảng 17 triệu; Số lượng tài khoản đang lưu hành khoảng 100 triệu (nếu loại trừ thẻ lặp khoảng 80 triệu thẻ); Tổng số có 42 tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ thanh toán; Tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,5%.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam”
Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam”.

Ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, công nghệ số đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi diện mạo các ngân hàng, các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính hay các ngành dịch vụ khác trên thế giới.

Ngành công nghiệp ngân hàng đang ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo như: internet kết nối vạn vật, trí tuệ thông minh nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán, điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng.

Sự xâm nhập của các gã khổng lồ về công nghệ thông tin (IT) và bưu chính viễn thông vào cung ứng dịch vụ tài chính làm thay đổi căn bản bộ mặt ngành dịch cụ tài chính, phá đi tính độc tôn của ngân hàng trong lĩnh vực này.

Một nhân tố nữa góp phần tạo nên cách mạng trong ngành tài chính số, đó là sự tham gia sâu rộng của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech). Với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn, công nghệ số đang dần khiến các ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu, từng bước khẳng định vai trò của công nghệ trong thời đại mới.

Các chuyên gia IT cho rằng quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật hơn.

Theo ông Hòe, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Tuy nhiên, ông Hòe cho rằng, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngành ngân hàng cũng đi kèm không ít thách thức đòi hỏi thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng mới trong hoạt động ngân hàng – tài chính thời kỳ số hóa, về năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả, cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.

Về hiện trạng chuyển đổi số, khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam thì phần lớn các tổ chức tín dụng có nhận thức về chuyển đổi số; trong đó, có 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.

Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát hiện đang triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. Hiện, có tới 41,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng triển khai dịch vụ đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.

Các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Theo đó, có tới 73% tổ chức tín dụng số hóa quy trình hoạt động liên tục, 47,6% tổ chức tín dụng số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, 42,8% tổ chức tín dụng thực hiện chữ điện tử và số hóa chữ ký nội bộ.

Về một số vướng mắc mà các ngân  hàng tại Việt Nam gặp phải khi thực hiện số, bà Dương cho rằng, phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng.

Bên cạnh đó, chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt các sản phẩm mới. Ngoài ra, phương thức làm việc tại nhiều ngân hàng vẫn còn theo lối cũ. Hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại và vấn để này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin.

“Chuyển đổi số là một hành trình và trong thời đại công nghệ số, mọi tổ chức cần phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty khởi nghiệp, thiết kế như một tập đoàn công nghệ, quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm”, bà Dương nói.

Trúc Mai