Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Hiệp cho biết, hệ thống đê điều ở Việt Nam có 9.018km đê từ cấp III trở lên, trong đó cấp đặc biệt 2.700. "Hiện nay, thống kê cho thấy có 230 điểm nguy cơ, uy hiếp đê điều bất cứ lúc nào" - ông Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với đó, hiện có hai nguy cơ rất lớn đối với hệ thống đê điều, đó là: vi phạm đề điều cao, khoảng 7.100 vụ vi phạm chưa xử lý trong khi vi phạm đang có xu hướng tăng và ngày càng vi phạm nghiêm trọng; thứ hai, đã lâu chưa có trận lũ lớn nên một số địa phương có tâm lý chủ quan.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, hiện nay càng ngày chúng ta càng phải đối mặt thiên tai và thời tiết cực đoan. Bình quân một năm thiên tai trên thế giới gây thiệt hại khoảng 300 tỷ USD và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Chúng ta chứng kiến nhiều cơn bão, lũ lớn trên thế giới.
Hàng loạt trạm trộn bê tông, bến bãi trái phép đang hoạt động tại 2 bên bờ sông Đuống (thuộc địa bàn huyện Tiên Du và các huyện lân cận, tỉnh Bắc Ninh).
Thiên tai ở Việt Nam năm 2019 giảm hơn 2018. Tuy nhiên, bình quân trong 5 năm, thiên tai ở Việt Nam vẫn gây thiệt hại 1,5% GPD và gần 300 người thiệt mạng. Mặc dù thiên tai 2019 giảm, nhưng với điều kiện khí hậu cực đoan và biến đổi khía hậu bất thường như hiện nay, chúng ta không lường trước được những vấn đề gì sẽ xảy ra.
"Trong thời gian gần đây, các loại hình thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam, trong đó có bão, lũ quét, sạt lở đất… càng ngày càng lớn. Đặc biệt, đối với 21 tỉnh, thành phố có đê, chúng ta khá lâu rồi chưa chứng kiến lũ lớn, nhưng mưa lớn gây sạt lở, uy hiếp đã diễn ra ở các địa phương" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa bão năm nay có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020.
Mặt khác, theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục thường có nguy cơ cao xảy ra mưa đặc biệt lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, mất an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập trên phạm vi rộng ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhận định, theo chu kỳ 2 năm sau hạn hán gay gắt trên diện rộng, mưa, lũ, bão sẽ diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai cực đoan, bất thường.
T.N