Tiến độ CPH, thoái vốn vẫn cách xa mục tiêu
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ khai mạc sáng 20/10 tới đây, thừa uỷ quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký báo cáo "Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021" của Chính phủ gửi tới Quốc hội.
Chính phủ đánh giá tổng quát, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhìn chung năm 2020 có nhiều điểm sáng, đã hạn chế được tác động của dịch bệnh, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống của người dân, giúp đỡ được bạn bè quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Về tăng trưởng, Chính phủ cho biết, quy mô GDP tiếp tục tăng nhưng giá trị gia tăng thấp hơn nhiều so với năm 2019 và bình quân giai đoạn 2016-2020. Năm 2020, GDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 6,3 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 263 nghìn tỷ đồng so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng gần 500 nghìn tỷ đồng so với năm 2018); GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD, tăng gần 35,6$ so với năm 2019, thấp hơn mức tăng của năm 2019 (tăng khoảng 144$); tốc độ tăng GDP năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức tăng của năm 2019 (7,02%); sản xuất, kinh doanh chỉ cố gắng ở mức duy trì hoạt động, động lực tăng trưởng phải dựa nhiều vào vốn; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ước đạt 37,48%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (47,71%), nhưng bình quân 5 năm ước đạt khoảng 43%, cao hơn mục tiêu Kế hoạch 5 năm đề ra (30-35%).
Bên cạnh kết quả, Chính phủ cũng nhìn nhận những hạn chế, yếu kém cần sớm khắc phục: chất lượng đầu tư công hạn chế, giải ngân vốn đầu tư công chậm, công trình trọng điểm triển khai chậm tiến độ, nguy cơ nợ xấu ngân hàng tăng, cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, thuận lợi, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, còn một số tồn tại, hạn chế như: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt kế hoạch. Xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém còn chậm. Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ bội chi NSNN tăng. Đổi mới khu vực sự nghiệp công chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhất là ở khu vực thành thị. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, tỉnh còn chậm, nhất là điều chỉnh quy hoạch điện VII, lập quy hoạch điện VIII. Còn một số văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm tiến độ do phải quy định chi tiết những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, an ninh mạng. Khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn gây bức xúc ở một số địa phương, báo cáo nêu rõ.
Ngọc Khánh