THCL Trong các phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu BCI của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh biến động một cách bất thường. Dòng tiền mua bán rất sôi nổi, tạo ra giá trị giao dịch lớn. Chỉ trong thời gian ngắn, mã cổ phiếu thuộc ngành bất động sản (BĐS) đã có giao dịch lên tới vài trăm tỷ đồng là dấu hiệu khác biệt rõ nét nhất.

Từ trước tới nay, cổ phiếu BCI ít có biến động mạnh bởi cơ cấu cổ đông của BCI cô đặc gồm: nhóm cổ đông liên quan đến Ngân hàng Phương Nam (16%), Dragon Capital (16%) và HFIC (37%). Vậy mà, trong những phiên gần đây, BCI liên tục tăng điểm, thậm chí được đẩy lên giá kịch trần.

Thoái vốn ồ ạt?

Thông tin ban đầu chỉ là hoạt động thoái vốn của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC) khiến cho giá cổ phiếu này không giảm mà còn tăng lên. Sau đó, là Red River Holdings cũng công bố sẽ bán toàn bộ cổ phần tại BCI. Chủ tịch Nguyễn Văn Lệ, người đại diện vốn của HFIC, cũng thông báo từ nhiệm.

Ngày 6/7, HFIC thông báo đăng ký thoái hết toàn bộ hơn 24 triệu cổ phiếu đang nắm giữ tại BCI, tương ứng tỷ lệ 27,9%. Còn Red River Holding thông báo đăng ký thoái hết hơn 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,13% vốn tại BCI. Ngay trong phiên ngày 10/7, HFIC đã thoái xong vốn bằng hình thức thỏa thuận. Sau đó, phiên giao dịch sáng ngày 16/7, BCI tiếp tục giao dịch thỏa thuận của Red River Holding.

Hiện chưa rõ ai đang gom mua cổ phiếu BCI, nhưng với động thái nắm giữ lên đến hơn 30% vốn điều lệ, tương ứng với số tiền chi ra khoảng 460 tỷ đồng thì sớm muộn cũng sẽ được công bố. Cổ đông nắm giữ cổ phiếu này cũng được hưởng lợi rất lớn khi giá tăng mạnh từ vùng 16.000 đồng/cổ phiếu, lên 20.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 15%. Ở giai đoạn này, khối lượng giao dịch cũng tăng rất mạnh khi cổ đông chủ chốt thông báo thoái vốn.

BCI cho thấy quyết tâm tham gia lĩnh vực hạ tầng cầu đường

Như vậy, cơ cấu cổ đông của BCI ở thời điểm hiện tại có thể chia thành các nhóm chính gồm những bên liên quan đến SouthernBank (PNB) đang sở hữu gần 16% (riêng cá nhân ông Trầm Bê là 3,06%), nhóm Dragon Capital hơn 16,5%, những nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng từ HFIC và Red River Holdings là 32,03%.

Theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), với những đóng góp của hai cổ đông này cho BCI trong thời gian qua, thông tin này gây nhiều bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Việc hai cổ đông lớn thoái vốn cùng lúc khiến giới đầu tư nghi ngờ cổ phiếu BCI bị thâu tóm, được nhà đầu tư mua lại.

"Hiện tại, BCI là một trong những doanh nghiệp BĐS có quỹ đất lớn sạch nhất Tp.HCM (hơn 300ha). Ngay trước khi HFIC công bố thoái vốn, BCI giao dịch ở mức giá khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu, tức khoảng 0,74 lần giá trị sổ sách, thấp hơn mức trung bình ngành (1,1 lần). Hai yếu tố này biến BCI thành đối tượng thâu tóm tiềm năng đối với những công ty BĐS khác", chứng khoán VDSC nhận định.

Bị thâu tóm?

Trong ĐHCĐ vừa qua, BCI đã thông qua kế hoạch lãi sau thuế 120 tỷ đồng, tăng 24% so với kết quả 2014; cổ tức bằng cổ phiếu 10%, đồng thời chuyển chi trả cổ tức 2013 tỷ lệ 10% từ tiền mặt sang cổ phiếu.

Việc thay đổi chi trả cổ tức 2013 tỷ lệ 10% từ tiền mặt sang cổ phiếu cộng với cổ tức bằng cổ phiếu năm 2014, cũng với tỷ lệ 10%, BCI sẽ phát hành khoảng 14,5 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức.

Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Hiện tại vốn điều lệ của BCI là 700 tỷ đồng, nhưng BCI lại sở hữu khối tài sản rất lớn. Vì vậy, BCI sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng lên gần 845 tỷ đồng.

Năm 2014, BCI thực hiện được 241 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng 62% kế hoạch. Nhưng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 97 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và vượt 1% kế hoạch. Doanh thu 2014 chủ yếu đến từ kinh doanh khu căn hộ Nhất Lan 3, khu dân cư Tên Lửa, khu dân cư, dịch vụ công nghiệp từ KCN Lê Minh Xuân, dịch vụ cấp nước, cho thuê mặt bằng tại các khu dân cư.

Tính đến cuối năm 2014, tồn kho của BCI ở mức gần 2.120 tỷ đồng. Trong đó, gồm khu 11A khoảng 358 tỷ, Phong Phú 2 là 197 tỷ, Phong Phú 4 khoảng 393 tỷ, KĐT Tân Tạo 556 tỷ, An Lạc Plaza 268 tỷ, dự án 158 An Dương Vương 195 tỷ và một số tồn kho rải rác khác.

Năm 2014, hàng tồn kho của BCI cao, nên doanh nghiệp muốn thoái vốn và kêu gọi hợp tác đầu tư. Tổng giám đốc Nguyễn Thụy Nhân, cho biết: Năm nay, BCI sẽ rút bớt vốn đầu tư vào chung cư cao tầng, chỉ tập trung vào lĩnh vực thấp tầng nhằm giải phóng tồn kho. Hiện tại, công ty vẫn đang làm các thủ tục cấp phép đầu tư cho dự án của mình. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có nhu cầu và đưa ra mức giá hợp lý thì BCI sẵn sàng chuyển nhượng.

BCI cho thấy quyết tâm tham gia lĩnh vực hạ tầng cầu đường (dự án BOT cầu Bình Tiên) và ngành nước. BCI đã có một quyết định mới trong mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Ban lãnh đạo cho biết, để giảm thiểu rủi ro, BCI sẽ mở rộng sang kinh doanh sang một số lĩnh vực khác như thi công các dự án BOT. Đây vốn là lĩnh vực thế mạnh của những doanh nghiệp mà Dragon Capital và HFIC đầu tư như REE và CII.

Theo Thời báo Kinh doanh