Tiền thân của Halico là nhà máy Rượu Hà Nội do hãng Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898, Halico là một trong những doanh nghiệp có truyền thống lâu năm tại Thủ Đô.

Cổ phiếu Halico “ế ẩm” ngay khi lên sàn chứng khoán - Hình 1

Công ty Cồn rượu Hà Nội - Halico

Hiện tại, Halico có 2 cổ đông lớn là Habeco nắm giữ cổ phần chi phối 44,29%. Ngoài ra một tổ chức nước ngoài, Streetcar Investments Holdings Pte. Ltd thuộc tập đoàn rượu lớn nhất thế giới Diageo sở hữu 45,57%.

Được biết, Diageo đã bỏ ra khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD để sở hữu 45,57% cổ phần Halico trong giai đoạn 2011 – 2012. Vốn hóa Halico xác định theo mức giá Diageo đặt mua vào khoảng 4.300 tỷ đồng.

Mới đây, ngày 8/6 Halico đã chính thức giao dịch trên sàn Upcom với mã chứng khoán HNR với giá tham chiếu 31.900 đồng/cp. Tuy vậy, phiên giao dịch đầu tiên trên TTCK đã diễn ra không thực sự tốt đẹp với Halico khi không có một cổ phiếu nào được khớp lệnh.

Việc cổ phiếu Halico không hấp dẫn giới đầu tư khi lên sàn cũng dễ hiểu bởi doanh nghiệp này đang gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động kinh doanh trong vài năm gần đây, sản phẩm chủ lực Vodka Hà Nội thì mất vị thế trên thị trường. Doanh thu Halico ngày càng giảm sút và từ năm 2015 đến nay liên tục thua lỗ, số lỗ năm 2017 lên hơn 84 tỷ đồng và lỗ lũy kế hiện gần 255 tỷ đồng.

Trong 2 năm tiếp theo là 2019 và 2019, Halico vẫn dự kiến lỗ với số lỗ lần lượt khoảng 58 tỷ đồng và 53 tỷ đồng.

Với mức giá chào sàn của Halico chỉ là 31.900 đồng/cp thì vốn hóa doanh nghiệp này chỉ là 638 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với định giá trước đây của Diageo.

Ngọc Linh