Vietnam Airlines là hãng hàng không có quy mô lớn nhất tại Việt Nam, hãng cũng sở hữu 51% tại Jetstar Pacific, một liên doanh hàng không giá rẻ cùng Tập đoàn Quantas của Úc. Tuy nhiên, Jetstar Pacific đã liên tục thua lỗ trong nhiều năm trở lại đây.

Được biết, Vietnam Airlines bắt đầu đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM từ đầu năm 2017, ngay sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng và thực hiện xong việc cổ phần hóa. Như vậy, sau hơn 2 năm đăng ký giao dịch thì HVN sẽ chuyển sàn để niêm yết trên HOSE.

Cụ thể, số lượng cổ phiếu mà Vietnam Airlines đăng ký niêm yết trên HOSE là 1.418.290.847 đơn vị, tương đương vốn điều lệ hơn 14.182 tỷ đồng. Ngày giao dịch chính thức hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, thông tin này đã đưa cổ phiếu HVN trên sàn UPCoM bật tăng thêm 1.800 đồng/cổ phiếu vào cuối phiên ngày 12/4, đạt 40.900 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines được chấp thuận niêm yết trên HOSE - Hình 1

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, trong năm 2019, Vietnam Airlines còn kế hoạch thoái vốn Nhà nước xuống còn 51% theo quyết định của Chính phủ. Hiện, Vietcombank là cổ đông lớn thứ 3 tại Vietnam Airlines sau Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (nắm giữ 86,16% vốn điều lệ) và ANA Holdings Inc. (nắm giữ 8,8% vốn).

Về phương án thoái vốn, Vietnam Airlines cho biết trong đề án đã trình lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vào cuối tháng 2 thì phương hướng chính là Nhà nước sẽ giảm quyền sở hữu tại HVN bằng cách bán một phần cổ phần và kết hợp với việc HVN phát hành thêm cổ phiếu.

Năm 2018, HVN ghi nhận doanh thu khoảng 102.000 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.800 tỷ đồng, vượt đến 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Về kết quả kinh doanh của công ty mẹ, doanh thu ước đạt 73.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.012 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch.

Ngọc Linh