Yếu tố hỗ trợ TTCK ổn định
Phân tích về bức tranh kinh tế thế giới, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng:
“Kinh tế thế giới năm nay dự báo tăng trưởng 2,4%, mặc dù hơn mức dự báo 2,6% nhưng không quá tệ, không bị suy giảm trầm trọng. Nguyên nhân do một số nền kinh tế chính như Mỹ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,6%, thấp hơn so với mức 2,5% của năm ngoái; tăng trưởng của Trung Quốc cũng chậm lại, năm ngoái 5,2%, năm nay dự báo 4,5%".
Hiện tại, một số ngân hàng trung ương bắt đầu giảm lãi suất do lạm phát được kiểm soát, Lạm phát tại Mỹ tiếp tục giảm, dù chậm lại do xung đột Biển Đỏ khiến chi phí logistics, vận chuyển hàng quốc tế tăng lên 30-40% trong quý vừa rồi. Giá xăng dầu cơ bản đi ngang, năm 2025 dự báo khoảng 78-80 USD/thùng, nhiều nước thích ứng tốt hơn đã có nhiều nguồn thay thế. Điều này, tác động đến lãi suất Ngân hàng Trung ương thế giới.
Tóm lại, TS. Cấn Văn Lực cho hay:
“Chúng ta đang trải qua năm 2024 tăng trưởng thế giới chậm hơn một chút. Lạm phát giảm và lãi suất giảm. Thương mại và đầu tư toàn cầu phục hồi trở lại, tăng khoảng 3%, từ mức 0,6% 5 năm trước".
Bên cạnh đó là những thách thức địa chính trị như Chiến tranh Nga – Ukraine dai dẳng, khủng hoảng Biển Đỏ.
Về kinh tế trong nước, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ: “Việt Nam nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực, năm trước tăng trưởng đạt 5,05%, trong khi thế giới là 2,6%, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là 5,1%"
Kinh tế Việt Nam hiện cơ bản tốt. Nền kinh tế đã và đang phục hồi, từ tháng 5/2023. Nền tảng vĩ mô tương đối ổn định. Lạm phát hơn 3%, nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, dưới ngưỡng Quốc Hội cho phép.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đây là những yếu tố tác động tích cực đến TTCK. Bằng chứng là TTCK tăng trưởng tích cực, tăng 11% trong 2 tháng đầu năm 2024, bằng cả năm ngoái. Số liệu hàn thử biểu sát hơn với thực tế, không có hiện tượng “bong bóng”, tăng trưởng nóng như trước, từ 1/1/2024 -18/3/2024 tăng khá.
TTCK bước vào sóng đầu tư
Ông Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Nhất Việt khẳng định:
“TTCK vào pha tăng trưởng mới, điểm nhấn sóng đầu tư 2024”.
Theo ông Hoàng, TTCK Việt Nam đã tạo đỉnh tháng 4/2022 với chỉ số VN – Index 1.500 điểm. Ở thời điểm hiện tại nhiều cổ phiếu đã vượt qua mức đỉnh của năm 2022. Cùng nhìn lại đáy của VN – Index là 912 điểm hồi tháng 11/2022, xuyên suốt từ vùng 912 điểm đó, đi lên một mạch, hiện đang ở vùng 1.270 điểm.
Tại vùng đó, khi VN - Index về vùng 912, định giá đã quay về 10. Xuyên suốt trong lịch sử TTCK, đã tạo đáy về vùng đó như các năm 2011, 2016, từ đấy thị trường bật đi lên. Quan điểm thị trường hiện nay đã xác nhận xu hướng tăng rồi. Tính từ cuối 2022, thị trường bước vào xu hướng tăng chung và dài hạn.
Năm 2022, dòng tiền khó khăn, thị trường vô cùng khốc liệt. Quý I.2023 có dòng tiền nước ngoài vào mạnh 32.000 tỷ, là điều kiện phá vỡ xu hướng giảm thời điểm đó. Sau đó mua ròng hết năm 2023, dòng tiền lớn đã chảy vào, giúp TTCK quay đầu được, tăng gần như “thẳng đứng”. Theo chu kỳ hồi phục, nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ đã có dấu hiệu quay đầu, sóng tăng mạnh nhất 2023.
TTCK đi theo chu kỳ kinh tế và chu kỳ tiền tệ. Động lực của VN – Index đi lên 2023 nhờ hai yếu tố. Thứ nhất là chính sách tiền tệ đảo chiều, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023. Thứ hai, tương hỗ và đi cùng định giá thị trường ở vùng thấp, vùng 10, khiến nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều.
“Thị trường tăng giá đợt này, thể hiện mạnh mẽ đầu năm 2024 ở nhóm ngành ngân hàng. Xét mức biên động giá, nhóm ngân hàng tăng khá mạnh như MBB, TCB, CTG, tăng dựng đứng khá nhanh và mạnh. Con sóng này bắt đầu từ cuối năm 2023 đến nay. Đây chính là nhóm dẫn dắt, nâng đỡ thị trường, đi lên cùng thị trường, tạo hiệu ứng lôi kéo thị trường”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Ông Hoàng nêu:
“Quay lại 2 con sóng mạnh năm 2016-2017 và 2020-2021, vai trò của ngân hàng vô cùng quan trọng vì trọng số của ngân hàng tác động đến VN - Index rất lớn. Biến động giá của ngân hàng trong 2 sóng gần nhất cho thấy, dẫn sóng cho VN – Index 2016-2018, trọng số dòng ngân hàng tăng mạnh, TCB tăng 30-40%, VPB tăng 40%. Năm 2020-2021 cũng thấy con số ấn tượng của dòng ngân hàng, như cổ phiếu LBP tăng nóng 500%, VN – Index tăng 131%.
Đâu là lựa chọn cổ phiếu khôn ngoan?
Ông Hoàng cho biết, năm 2023 với chính sách tiền tệ đã khiến năm 2024 khởi sắc và rõ ràng hơn. Kỳ vọng định giá VN -Index đang về khoảng 14,3-14,5, mức định giá này nằm ở nửa dưới của đường trung bình của VN- Index trong 20 năm trở lại đây.
Nếu định giá nằm ở nửa dưới thì là vùng định giá còn biên tăng lên vùng nửa trên. Khi nó đang biến động sát đường bình quân, thì một nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ làm cho định gía thị trường “mềm” hơn.
Ngắm trong bức tranh lớn trong năm - thì đây chính là cơ hội. Như đợt điều chỉnh khá mạnh phiên ngày hôm qua, 18/3 cho thấy điều đó. Có thể thấy, VN - Index đi vào xu hướng tích luỹ trong up trend dài nhiều hơn nhịp phân phối. Do đó, lợi nhuận doanh nghiệp tăng, nền kinh tế cải thiện, còn kỳ vọng để TTCK đi lên.
"Chúng tôi đưa ra hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên là dựa trên lợi nhận 10%, cho VN – Index tăng lên 1.317-1.366 điểm, quanh vùng 1.300-1.350 điểm là vùng lưu ý. Kịch bản thứ hai, tích cực tăng trưởng 12%, VN - Index có thể lên 1.400-1.450 điểm. Nếu có nhịp điều chỉnh tiếp theo, sẽ là cơ hội nhiều hơn là rủi ro", theo ông Hoàng.
“Tôi cũng cho rằng, động lực tăng trưởng còn ở dòng tiền. Với thị trường BĐS, trái phiếu, vàng, tiết kiệm ngân hàng, tỷ suất lợi nhuận của nhóm ngành chứng khoán là cao, là thị trường hấp dẫn dòng tiền trong năm. Đầu năm, chỉ số tăng tốt, một phiên tăng của cổ phiếu có thể bằng gửi tiết kiệm một năm”, ông Hoàng nói.
Tiêu chí để lựa chọn ngành – cổ phiếu tiềm năng, theo phân tích của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) bao gồm 4 tiêu chí: kết quả kinh doanh theo quý; thu hút dòng tiền; định giá hợp lý; có yếu tố vĩ mô hỗ trợ. Do đó, ngành và cổ phiếu tiềm năng: Thứ nhất là Ngân hàng – tăng trưởng ổn định với mã MBB, TCB. Thứ hai là Bất động sản, với sự ấm lên của thị trường, nếu được tháo gỡ khó khăn về pháp lý thì rất tiềm năng với mã IDC, KBC. Thứ ba là bán lẻ - đang hồi phục tốt với mã FRT, MWG.
Ông Hoàng cho biết:
"Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sóng tăng tổng thể, nhịp chỉnh trong giai đoạn gần đây với 2 phiên bán mạnh, nhịp giảm này là nhịp cần thiết điều chỉnh tích luỹ cho xu thế tăng tiếp theo 2024. Mức tăng từ đầu năm đến nay là 200 điểm, tương đương 12%, điều chỉnh tích luỹ 8% là hợp lý cho VN - Index".
Bà Đỗ Hồng Vân FinGroup – Trưởng phòng Phân tích dữ liệu Công ty Cổ phần FiinGroup Việt Nam cũng cho rằng, 3 yếu tố hỗ trợ TTCK là: Thứ nhất, nền tảng của ngân hàng như tăng trưởng lợi nhuận, cầu tín dụng hồi phục. Thứ hai là NIM tiếp tục xu hướng cải thiện. Thứ ba là liên quan đến kế hoạch chi trả cổ tức, phát hành tăng vốn.
Về lựa chọn cổ phiếu, bà Vân cho rằng:
“Lựa chọn đầu tiên, kỳ vọng lợi nhuận hồi phục và định giá hấp dẫn. Lựa chọn thứ hai là có kế hoạch bán vốn như BID, HDB, LPB, SHB, VCB và thuộc top nắm giữ của quỹ ngoại như VCB, VPB, ACB, MBB.
Hầu hết các cổ phiếu Ngân hàng có giá tăng nhờ định giá tăng. Mốc quan trọng cần lưu ý là đại hội cổ đông, kế hoạch chi tiết về hoạt động kinh doanh”.
Trúc Mai