TH&CL - Một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ; tuy nhiên, khi một đứa trẻ bị lạm dụng, cưỡng hiếp thì không biết gọi ai?

Có tới 15 cơ quan bảo vệ nhưng trẻ bị xâm hại không biết

Đông đảo người quan tâm, phụ huynh đã đến cuộc tọa đàm "im lặng hay lên tiếng" để bày tỏ sự quan tâm với nỗ lực ngăn chặn vấn nạn xâm hại trẻ em - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bà Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên chia sẻ như vậy tại cuộc tọa đàm, tổ chức chiều 14/3 về ngăn chặn vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Dẫn thông tin từ báo cáo của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), ban tổ chức tọa đàm cho biết, trong số trên 1.000 trẻ em bị xâm hại tình dục mỗi năm, có gần 60% số cháu 12 - 15 tuổi, 13% mới chỉ dưới 6 tuổi.

Có tới 15 cơ quan bảo vệ nhưng trẻ bị xâm hại không biết

Bà Nguyễn Vân Anh: 15 tổ chức bảo vệ trẻ em nhưng khi có trẻ bị xâm hại thì không biết gọi ai!

Theo bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), quy định hiện hành đang có khoảng trống và chưa đầy đủ, khiến nhiều hành vi dâm ô trẻ em bị bỏ sót khi tính căn cứ xử lý tội phạm.

"Công an một số nơi, trong đó có Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã đánh tráo khái niệm, khiến vụ việc chậm được xử lý", ông An nói.

Theo thống kê của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, phần lớn thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em chủ yếu là người thân, hàng xóm, thậm chí là người ruột thịt.

Tại tọa đàm, cha ruột của một trẻ em bị xâm hại tình dục khi bé 3 tuổi cho hay, gần 2 năm qua, gia đình đã đi khắp nơi nhưng thủ phạm vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Anh khóc: "Con tôi chỉ là một trong số những đứa trẻ bị xâm hại tình dục, nhưng tôi muốn nói để cho nhiều cháu nhỏ nữa, bảo vệ nhiều cháu nữa khỏi nạn xâm hại".

"Một trẻ em Việt Nam hiện có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ, nhưng khi một đứa trẻ bị cưỡng hiếp không biết gọi ai. Các cơ quan tổ chức hãy thôi đau xót chung chung mà hãy hành động", bà Vân Anh kêu gọi.

Theo: Lan Anh/Tuoitre.vn