Theo đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings), hành trình tìm kiếm và quảng bá giá trị đặc biệt của Việt Nam nhất là giá trị về ẩm thực, đặc sản đã được đơn vị thực hiện suốt 13 năm qua (từ năm 2010 cho đến nay), với sứ mệnh “Mang tinh hoa Việt Nam nói chung và tinh hoa ẩm thực đặc sản Việt Nam nói riêng ra thế giới".
Đây là lần thứ 4, Tổ chức Kỷ lục châu Á công bố các Kỷ lục châu Á mới cho ẩm thực, đặc sản Việt Nam sau năm 2012, 2013 và 2022 với sự đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings).
Trong danh sách mới nhất Việt Nam có 10 Kỷ lục châu Á, chia đều ở hai hạng mục: Món ăn đặc sản và Đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng. Cụ thể, 10 Kỷ lục châu Á mới về ẩm thực và quà tặng đặc sản Việt Nam gồm 5 món đặc sản là Bánh mỳ Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), Cơm Hến (Thừa Thiên-Huế), Lẩu thả Phan Thiết (Bình Thuận), Nem nướng Ninh Hòa (Khánh Hòa), Bún nước lèo (Sóc Trăng).
5 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng bao gồm Cốm làng Vòng (Thành phố Hà Nội); Khoai deo (Quảng Bình), Mè xửng (Thừa Thiên-Huế), Dâu Đà Lạt (Lâm Đồng), Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).
Trước đó, dưới sự đề cử của VietKings: năm 2012 có 12 món ăn Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập gồm phở, bún thang (Hà Nội), bánh đa cua (Hải Phòng), bún bò (Huế), cơm tấm (Sài Gòn), gỏi cuốn (Sài Gòn), cơm cháy (Ninh Bình), cháo lươn (Nghệ An), phở khô (Gia Lai), bánh khọt (Vũng Tàu), mì Quảng (Quảng Nam).
Năm 2013, 10 món ăn Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập gồm: chả cá Lã Vọng (Hà Nội), bún cá rô đồng (Hải Dương), chả mực Hạ Long (Quảng Ninh), cao lầu Hội An (Quảng Nam), bánh canh chả cá Quy Nhơn (Bình Định), gỏi lá (Kon Tum), bánh bèo bì (Bình Dương), bún suông (Trà Vinh), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), bún cá Châu Đốc (An Giang); 8 đặc sản Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập có: bánh đậu xanh (Hải Dương), chè (Thái Nguyên), quế Trà Bồng (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh (Kon Tum), cà phê Buôn Mê (Đắk Lắk), bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh phồng sữa dừa (Bến Tre), tiêu Phú Quốc (Kiên Giang).
Năm 2022, 7 loại - nhóm món ăn Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập gồm: gỏi sầu đâu (An Giang), gỏi cá trích Phú Quốc (Kiên Giang), lẩu mắm U Minh (Cà Mau), các món ăn từ sen (Đồng Tháp), các món ăn từ cá thát lát (Hậu Giang), các món ăn từ cá ngừ đại dương (Phú Yên), các món ăn từ dừa (Bến Tre); 4 đặc sản Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập có: tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi), vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), yến sào (Khánh Hòa), rượu sim Phú Quốc (Kiên Giang).
Như vậy, sau quá trình chọn lọc kỹ lưỡng, 10 đề cử đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á quyết định công bố xác lập, theo Bộ tiêu chí Kỷ lục Ẩm thực và Đặc sản châu Á, nâng số lượng Kỷ lục về Ẩm thực và Quà tặng Đặc sản Việt Nam đạt Kỷ lục châu Á lên 60 món từ năm 2012 đến năm 2023, gồm 38 món ăn đặc sản, 22 đặc sản thiên nhiên và đặc sản quà tặng của các địa phương.
Thời gian tới, VietKings sẽ tiếp tục tiến hành đề cử những giá trị nổi bật của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách toàn diện đến bạn bè thế giới.
Bằng kỷ lục châu Á sẽ được Tổ chức Kỷ lục châu Á ủy quyền cho VietKings trao tặng đến các địa phương vào chương trình Hội ngộ kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 53, dự kiến diễn ra vào ngày 6/1/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, hoặc địa phương đón nhận kỷ lục trong các sự kiện do địa phương tổ chức.
Thiên Trường (t/h)