Thời gian qua, hoạt động sản xuất, buôn bán mặt hàng là thức ăn dùng để chăn nuôi kém chất lượng trên địa bàn cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá nói riêng có những diễn biến phức tạp. Để giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận một số đơn vị sản xuất đã giảm bớt hoặc không bổ sung các chất dinh dưỡng chính, dẫn đến sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để bán ra thị trường, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vật nuôi, ảnh hưởng và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và công tác quản lý của nhà nước trên địa bàn.
Qua công tác nắm tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an tỉnh Thanh hóa đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng là thức ăn dùng để chăn nuôi. Điển hình như ngày 28/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 03 đối tượng để điều tra, làm rõ tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi xảy ra tại Công ty cổ phần Kanji Feed Việt Nam, địa chỉ xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, Lê Thái Dương là Giám đốc và cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Kanji Feed Việt Nam. Công ty này đã được đăng ký hoạt động về lĩnh vực sản xuất, buôn bán thức ăn chăn nuôi, được Cục Sở hữu trí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "BITCOIN FEED" và nhãn hiệu "Kanji feeds", được Chi cục thú y tỉnh Hải Dương đồng ý công bố trên Cổng thông tin về tiêu chuẩn phù hợp với các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật (Quy chuẩn hợp quy), có thành phần chất chính trong thức ăn chăn nuôi là Protein thô và Lysine.
Do không đủ điều kiện xây dựng nhà máy nên ngày 01/11/2022, Dương đã ký hợp đồng với Công ty TNHH M&D Việt Nam do Phạm Văn Thắng làm quản lý và điều hành hoạt động. Theo hợp đồng đã ký, Thắng nhận gia công sản xuất cho Dương các loại thức ăn chăn nuôi, cung cấp các loại nguyên liệu, phụ liệu trong sản xuất theo yêu cầu của Dương và thanh toán theo từng đợt lấy hàng.
Bước đầu qua xác minh, lực lượng Công an xác định, từ tháng 1/2024, Dương đã yêu cầu sản xuất “Heo 5”, “Vịt V643” theo các chỉ tiêu ghi trong Lệnh sản xuất chỉ đạt độ đạm Protein thô (chất chính) khoảng 8-10%, không bổ sung Lysine; song lại đóng vào các bao ghi mã nhãn hiệu 20-50S, KJ 686, KJ687, KJ904 và các bao ghi các mã nhãn hiệu V64S, KJ906, V32A, đều có độ đạm ghi trên bao bì từ 18% đến 19%.
Phạm Văn Thắng sau khi biết được Dương gia công sản xuất thức chăn nuôi từ một công thức, cùng một thương hiệu ra nhiều sản phẩm khác nhau kém chất lượng, đã trao đổi và yêu cầu Dương phải bổ sung các chất để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng. Nhưng Dương lấy lý do nhu cầu khách hàng muốn mua giá rẻ dùng cho lợn xuất chuồng để làm thịt, giữ nguyên các chỉ tiêu ghi trên Lệnh sản xuất ban đầu. Vì lợi nhuận, Thắng đã chỉ đạo các công nhân sản xuất theo Lệnh sản xuất của Dương.
Theo tài liệu chứng cứ thu thập được, sơ bộ xác định từ tháng 1/2024 đến khi bị bắt, theo Lệnh sản xuất của Dương, Công ty TNHH M&D Việt Nam đã sản xuất từ công thức "Heo 5" ra sản phẩm các mã nhãn hiệu 20-50S; KJ 686; KJ687; KJ904 và từ công thức "VIT 64S" ra sản phẩm các mã nhãn hiệu V64S; KJ906;V32A kém chất lượng và đã bán cho khách hàng với tổng giá trị hàng hóa khoảng 300 triệu đồng. Trong đó, Dương đã bán cho Hắc Ngọc Tình hơn 10 tấn thức ăn chăn nuôi giả. Mặc dù biết các mã nhãn hiệu trên kém chất lượng so với các chỉ tiêu thành phần chính ghi trên bao bì nhưng vì hám lợi, Tình vẫn mua về để bán kiếm lời.
Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang tiếp tục điều tra, mở rộng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Từ vụ việc trên, Công an tỉnh Thanh Hóa cảnh báo, khuyến cáo:
- Các cá nhân, doanh nghiệp cần chấp hành quy định của pháp luật, không vi lợi nhuận trước mà sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng; làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, giá trị dinh dưỡng của vật nuôi cũng chính là ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
- Đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến hàng hóa là thức ăn chăn nuôi để kịp thời phòng ngừa, thông tin cho lực lượng Công an nếu phát hiện dấu hiệu nghi vấn hàng giả, hàng kém chất lượng, như:
+ Hàng hóa không có quy chuẩn hợp quy.
+ Hàng hóa kém hoặc giả về chất lượng so với tiêu chuẩn chất lượng công bố trên bao bì, nhãn hàng hóa.
+ Hàng hóa không có số lô, không ghi ngày sản xuất hoặc ngày sản xuất ghi không rõ ràng.
+ Hàng hóa có cùng tính năng, công dụng như các sản phẩm có thương hiệu đã có uy tín trên thị trường nhưng giá thành lại quá thấp.
An Nhiên