Thời gian vừa qua, trên thế giới và khu vực, trong đó có Việt Nam xuất hiện nhiều dạng ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử, thảo mộc.
Trong đó có một số loại ma túy dưới dạng các loại bánh kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói, cấp phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Mới đây, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều trường hợp các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh. Loại này người dùng có thể bị nhầm lẫn dùng quá liều gây nguy hiểm đến tính mạng.
Ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống: đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt chất ma túy.
Các sản phẩm “núp bóng” đã phát hiện ở nước ta như: Nước trái cây “Crispy Fruit” hương dâu, hương nho, hương xoài, chứa chất Bromazepam, Nimetazepam đều là chất ma túy; Socola nhãn hiệu “Chill Max” có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA ; các loại “nước vui”, “nước biển” chứa chất ma túy GHB; Bánh cần, bánh lười “Lazy cakes” chứa cần sa; Nước nho chứa Ketamine; trà chanh, nước giải khát chứa chất ma túy Ketamine, MDMA; ma túy “đông trùng” chứa Nimetazepam được ngụy trang trong các gói nhỏ in hình đông trùng hạ thảo trên bao bì. Đặc điểm của các loại ma túy “núp bóng” này là có bao bì bắt mắt ngụy trang dưới dạng thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát; gây ảo giác mạnh, thậm chí tử vong nếu sử dụng quá liều.
Ma túy núp bóng thảo mộc dạng “Cỏ Mỹ”: đối tượng tẩm dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA vào thảo mộc rồi đóng gói thành loại thuốc lá gói hiệu “Tobaco”, thuốc lá điếu hiệu “Hitton” và pha dung dịch có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA bơm vào cây thuốc lá điện tử POD.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tác hại đến cộng đồng do các loại ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử, Công an tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương biết, chỉ đạo thực hiện tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, người lao động, các trường, phụ huynh, học sinh và người dân biết, nhận diện được những loại thực phẩm, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử dễ bị lợi dụng pha trộn với ma túy. Đồng thời cung cấp thông tin cho cơ quan Công an ngay khi phát hiện.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao của đơn vị, địa phương mình, tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam để phòng ngừa tác hại đối với cộng đồng.
Kết quả, đề nghị các sở, ngành, địa phương tỉnh Bình Thuận thông tin về Công an tỉnh trước ngày 30/11/2022; đồng thời thông báo, cung cấp thông tin liên quan đến các vụ việc có phương thức, thủ đoạn nêu trên hoặc tương tự về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy), địa chỉ số 117, đường Tôn Đức Thắng, TP. Phan Thiết; số điện thoại: 069.3428.321 để kịp thời ghi nhận, thông báo và triển khai các biện pháp xử lý, phòng ngừa.
PV