Điểm mới căn bản của dự thảo thông tư này so với Thông tư số 01 mà Bộ GD&ĐT mới ban hành ngày 30/1/2020 vừa qua thì quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa nào để giảng dạy trong cơ sở giáo dục phổ thông là UBND cấp tỉnh, không phải các cơ sở giáo dục như quy định hiện hành.

UBND cấp tỉnh là người lựa chọn sách giáo khoaUBND cấp tỉnh là người lựa chọn sách giáo khoa

Cụ thể, dự thảo quy định: Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 hội đồng.

Hội đồng bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở, phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

Lý giải về việc quy định về quyền lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục chỉ được thực hiện duy nhất cho việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT), cho biết từ ngày 1/7/2020, luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành với quy định “UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn” (điểm c khoản 1 điều 32).

Trong khi đó, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới để áp dụng cho năm học 2020 - 2021 phải được tổ chức lựa chọn từ đầu năm 2020 và công bố kết quả trong tháng 5/2020 để các nhà xuất bản có sách giáo khoa được chọn tổ chức in ấn, phát hành… kịp cho khai giảng năm học vào tháng 9.2020.

Do vậy, theo ông Thành, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới theo quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội với quyền quyết định lựa chọn sách giáo khoa là của các cơ sở giáo dục.

Chỉ có điều, thông tư này khi ban hành đã xác định sẽ chỉ có hiệu lực từ 1/2020 đến hết tháng 6/2020. Từ 1/7/2020, luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành thì việc chọn sách giáo khoa khi ấy sẽ giao cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm. Đó là lý do Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư mới quy định về lựa chọn sách giáo khoa căn cứ theo quy định của luật Giáo dục 2019 để có thể áp dụng từ năm học 2021 - 2022.

Hằng Vương