THCL Theo Reuters, loại tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 12/2 đã sử dụng phương pháp phóng lạnh - công nghệ phóng có nhiều ưu điểm hơn của Mỹ.

Khác biệt

Reuters dẫn nguồn tin quân sự của Hàn Quốc cho biết tên lửa của Triều Tiên vừa phóng là loại tầm trung mới sử dụng nhiên liệu rắn và sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Trong khi đó, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giám sát vụ thử tên lửa Pukguksong-2, một loại vũ khí chiến lược mới của nước này có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân.

Thông tấn Anh cho biết, việc Triều Tiên dùng công nghệ phóng lạnh cho thấy bước tiến vượt bậc của nước này về công nghệ tên lửa bởi đây là công nghệ hiện Mỹ cũng đang mới phát triển.

Vậy phóng nóng và lạnh có gì khác biệt? Phóng nóng là kỹ thuật mà liều phóng có sẵn trong tên lửa, động cơ tên lửa được phát động ngay bên trong ống phóng. Khi các tên lửa phóng đi thì đều được hướng theo một góc nghiêng xác định.

Trong khi đó, phóng lạnh là kỹ thuật dùng khí nén đẩy tên lửa đến một độ cao nhất định, sau đó động cơ chính của tên lửa mới hoạt động. Đối với kỹ thuật phóng lạnh thì tên lửa được đặt theo chiều thẳng đứng.

Nhờ sử dụng khí nén để đẩy tên lửa ra khỏi ống phóng sau đó động cơ chính mới hoạt động, cũng như việc tên lửa luôn được phóng thẳng đứng đã mang lại cho kỹ thuật phóng lạnh nhiều ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật phóng nóng.

Công nghệ phóng tên lửa Triều Tiên ưu trội hơn Mỹ - Hình 1

Nga diễn tập với hệ thống S-400

Ưu điểm

Ưu điểm đầu tiên là vật liệu chế tạo ống phóng rẻ hơn do không cần chịu được nhiệt độ quá cao của động cơ tên lửa như ống phóng kiểu nóng (tên lửa kích hoạt trong ống phóng). Tên lửa được phóng lên dễ dàng và điều khiển hướng bay khá linh hoạt.

Nhờ thuật phóng nguội mà tên lửa sẽ ra khỏi ống phóng theo chiều thẳng đứng, việc này có những ưu điểm như: Tên lửa phóng theo phương chéo và đốt cháy nhiên liệu ngay trong ống sẽ gây một phản lực đẩy ngược lại bệ phóng, do đó cần một bệ phóng thật chắc chắn.

Tuy nhiên yêu cầu trong chiến đấu hiện nay là gọn nhẹ và cơ động trong khi đó bệ phóng quá cồng kềnh, di chuyển kém thì sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các giàn phóng.

Phương án phóng thẳng đứng sẽ giải quyết được vấn đề này, lực đẩy vuông góc với mặt đất, bệ phóng vì thế có thể cơ động. Người ta dễ dàng nhận thấy Patriot của Mỹ phải chống cả xe lên để cố định bệ phóng, trong khi S-300/400 của Nga chỉ cần cố định bằng càng thả vuông góc với mặt đất.

S-300/400 hay các tên lửa liên lục địa là loại có khối lượng lớn. Muốn phóng được một vật thể có trọng lượng lớn sẽ cần có lực đẩy mạnh để tạo gia tốc cao. Nếu phóng theo phương chéo, yêu cầu về gia tốc, tức lực đẩy là rất cao, sẽ cần một lực đẩy lớn gấp nhiều lần so với phóng theo phương thẳng đứng, tức sẽ cần nhiều nhiên liệu hơn, nhiệt lượng đốt lớn hơn...

Ngoài ra phóng theo phương chéo thì cũng có tác động đến trọng tâm bệ phóng, dễ gây mất ổn định, việc này làm cho hệ thống trở nên cồng kềnh khi xoay trở. Phóng theo phương chéo nghĩa là phải quay đầu tên lửa về hướng mục tiêu. Sau khi tên lửa rời bệ phóng, nếu muốn chuyển hướng thì tương đối khó khăn.

Còn nếu phóng thẳng đứng, khi bay lên nó có thể chuyển hướng tới bất kỳ đâu vì góc quay của tên lửa là 360 độ. Do vậy, sau khi nhận ra những ưu điểm vượt trội của thuật phóng lạnh, Mỹ và các nước phương Tây cũng đang nghiên cứu để áp dụng kỹ thuật này cho các hệ thống tương lai của mình.

Tuấn Hưng  - Baodatviet