THCL - Business Insider phân tích, ông Trump đã làm lung lay đường lối ngoại giao của Mỹ trong suốt những thập kỷ gần đây và gây "rung lắc" thế giới thông qua những liên lạc với lãnh đạo nước ngoài như thế nào.
Ảnh minh họa
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có nhiều cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo ở các nước kể từ sau khi ông đắc cử. Các cuộc điện đàm này luôn được coi là không chính thức.
Sự kiện ông Trump đã trao đổi với lãnh đạo Thái Anh Văn của Đài Loan và đã gây ồn ào vì cuộc điện đàm này đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan trong hơn 30 năm.
Một số chuyên gia lo ngại rằng động thái này có thể cản trở quan hệ Mỹ-Trung. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Đài Loan đã chấm dứt kể từ năm 1979, sau khi công nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Đây là một phần nỗ lực để tái thiết các kênh ngoại giao Mỹ-Trung.
Bà Thái Anh Văn
Cùng thời điểm này, ông Trump cũng trò chuyện với các lãnh đạo của Pakistan, Kazakhstan và Philippines và những nước này đã công bố rằng những cuộc nói chuyện khá thẳng thắn và bàn kỹ về một số vấn đề.
1. Đài Loan
Cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Anh Văn được cho là đã được chuẩn bị vài tháng trước đó. Ian Bremmer, một chuyên gia địa chính trị và chủ tịch Eurasia Group cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ giận dữ về cuộc gọi này.
Ông lưu ý rằng cuộc điện thoại đã bỏ qua các nghi thức lễ tân. Nhà Trắng cho hay họ đã không biết gì cho đến khi cuộc gọi diễn ra.
“Ông Trump chỉ gọi những cuộc điện mừng và đã bỏ qua các nghi thức và chỉ dẫn. Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump sơ suất. Chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét nhiều hơn”, Bremmer trả lời Business Insider.
Ông nói: “Không thể tưởng tượng được Trung Quốc lại không phản ứng dữ dội trước hành động này. Đây là lằn ranh đỏ đối với họ. Và thật khó hình dung rằng ông Trump lại nói là “không có gì to tát cả” và sau này sẽ không nói chuyện với Đài Loan nữa. Chúng ta vẫn đang bế tắc trong căng thẳng và quan hệ Mỹ-Trung dưới thời kỳ của ông Trump đã bắt đầu một cách hết sức đáng quan ngại”.
2. Philippines
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, vị lãnh đạo luôn có những phát ngôn gây sốc, người từng lăng mạ cả tổng thống Barack Obama, cũng đã đối thoại với ông Trump.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi ông Duterte tuyên bố tách khỏi Mỹ và liên kết với Trung Quốc. Ông cũng đe dọa sẽ tiến gần hơn với Nga, nước mà ông Trump cũng đang làm ấm mối quan hệ. Ông Trump và Duterte đã trò chuyện hồi đầu tháng này. Trong một hội nghị của Công ước LHQ về chống tham nhũng tại Manila tuần trước, ông Duterte đã có cuộc nói chuyện ngắn trong 7 phút với ông Trump, trích lời ông Trump khi nói về quan hệ Mỹ- Philippines là “nên khắc phục quan hệ đang xấu đi này”.
“Mối quan hệ này cần nhiều điều tốt đẹp hơn, và ông ấy đang làm rất tốt. Tôi biết ông là người như thế nào. Ông lo lắng vì nước Mỹ đang chỉ trích ông. Nhưng ông đang làm rất tốt, hãy tiếp tục. Tôi cũng gặp phải rắc rối với vấn đề đường biên giới Mexico- Mỹ”, ông Trump nói.
Tổng thống Putin gặp ông Duterte bên lề hội nghị APEC ở Peru
Ông Duterte gặp nhiều tai tiếng về các vấn đề vi phạm quyền con trong chiến dịch chống ma túy. Ông cũng cho biết đã được Donald Trump mời đến thăm Mỹ. Ông Trump nói: “Và khi ông đến Washington, DC hay New York, hãy tìm tôi và uống cùng nhau tách cà phê. Có lẽ ông có thể đưa ra cho tôi một vài gợi ý làm cách nào để xử lí các rắc rối này…”
3. Pakistan
Ông Trump cũng từng ca ngợi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Chính phủ Pakistan đã đưa ra những báo cáo chi tiết về cuộc gọi và cho rằng ông Trump đã ca ngợi ông Sharif là một “người thú vị”, và ông coi người Pakistan là một trong những người thông minh nhất thế giới.
Ông Sharif đã gọi cho ông Trump để chúc mừng việc ông đắc cử và ông Trump đã đáp lại bằng việc công nhận rằng ông Sharif để lại “nhiều tiếng thơm”. Ông Trump nói với thủ tướng Sharif rằng: “Ông đang làm rất tốt và điều này có thể nhận ra dưới mọi góc độ. Tôi mong đợi sớm được gặp ông”.
Ông Sharif và gia đình từng dính vào vụ bê bối tham nhũng trong Hồ sơ Panama và vị thủ tướng này đang đối mặt với việc phải chấm dứt sự nghiệp chính trị. Một số người cũng băn khoăn những lời ca ngợi của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ- Ấn vì quan hệ Ấn Độ- Pakistan vẫn hết sức căng thẳng.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modo và thủ tướng Pakistan Nawzaz Sharif
Alyssa Ayres, một chuyên gia cao cấp về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng đối ngoại cho rằng dường như ông Trump đang tiến hành chính sách ngoại giao điện đàm mà không hợp tác với Bộ ngoại giao.
Bà Ayres cho rằng ông Trump đã quen với cách ứng xử của một thương gia. “Tôi nghĩ ông ấy đã dành cả cuộc đời vào kinh doanh quốc tế, phát triển tài sản, các chương trình giải trí và chương trình truyền hình, ông ấy đã quá quen với việc tạo thiện cảm và tán dương ở bất kỳ đâu mà ông thấy cần”.
4. Kazakhstan
Ông Trump cũng trò chuyện với Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, nguyên là tổng bí thư đầu tiên của nước cộng hòa thời Liên xô này.
Thông báo của chính phủ Kazakh về cuộc điện đàm của Nursultan Nazarbayev với ông Trump phản ánh Pakistan trong từng chi tiết và ngôn ngữ.
Ông Nazarbayev
“Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gửi lời chúc mừng tới Nguyên thủ quốc gia vào ngày Quốc khánh thứ 25 của Kazakhstan. Ông Donald Trump nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông Nursultan Nazarbayev, đất nước chúng ta sau khi giành được độc lập đã đạt được những thành công kỳ diệu.”
Thông báo trên cũng tuyên bố ông Trump và ông Nazarbayev đã “tuyên bố quyết tâm đưa quan hệ hữu nghị Kazakhstan - Mỹ lên một tầm cao mới, bao gồm cả quan hệ đối tác thương mại và kinh tế.” Ông Trump cũng rất muốn sắp xếp một cuộc gặp mặt với ông Nazarbayev
Đặng Phương Thảo - VietTimes