Cụ thể, ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã chính thức công bố quyết định công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Sự kiện này khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng 1 trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác.

Đặc biệt, khi được công nhận tương đương, Việt Nam sẽ được bổ sung thêm doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ (hiện nay, Việt Nam có 13 doanh nghiệp) và quan trọng hơn là tạo niền tin cho nhà nhập khẩu Hoa Kỳ yên tâm nhập khẩu sẽ gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu cá tra vào thị trường này trong những tháng cuối năm 2019, góp phần tăng trưởng ngành hàng cá tra năm 2019.

Cá tra hiện có diện tích nuôi khoảng 5.000 ha, hàng năm cho sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,8 tỷ USD.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Việc đáp ứng yêu cầu công nhận tương đương của Hoa Kỳ, góp phần chuyển mạnh ngành nuôi cá tra từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Sau khi công nhận tương đương, Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ tiếp tục giám sát, định kỳ thanh tra lại Hệ thống kiểm soát an toàn chuỗi sản xuất kinh doanh cá tra Việt Nam. Do vậy, để duy trì việc công nhận và mở rộng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các thị trường khác, Việt Nam cần tiếp tục rà soát hoàn thiện và triển khai hệ thống chính sách pháp luật và tổ chức tốt việc thực thi Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh cá tra tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngày 11/10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã thông báo quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam. 

Ngọc Linh