Cụ thể về công thức tính giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh theo yếu tố chi phí được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 21/2024/TT-BYT về tính giá thành của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (khám chữa bệnh) theo phương pháp (PP) phân bổ chi phí, có hiệu lực thi hành từ ngày 17/10/2024.
Ảnh minh họa
1. Công thức xác định giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh
Công thức tính giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh như sau:
Giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh | = | Chi phí nhân công | + | Chi phí trực tiếp | + | Chi phí quản lý | + | Chi phí khấu hao |
Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn mới nhất [cập nhật ngày 21/10/2024] |
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn [cập nhật ngày 29/08/2024] |
Công thức tính giá thành của dịch vụ khám chữa bệnh theo yếu tố chi phí (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
2. Cách xác định chi phí nhân công trực tiếp
Nhân công trực tiếp là người lao động trực tiếp thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh thuộc khối lâm sàng và cận lâm sàng. Chi phí nhân công trực tiếp được xác định trên cơ sở định mức lao động của từng dịch vụ kỹ thuật (được quy định tại Thông tư 19/2022/TT-BYT và đơn giá tiền lương, tiền công. Các bước ước tính chi phí nhân công trực tiếp cho dịch vụ khám chữa bệnh như sau:
Bước 1: Xác định các loại hình người lao động tham gia trực tiếp thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh.
Bước 2: Xác định định mức về số lượng người, trình độ chuyên môn và số giờ lao động cần thiết sử dụng trực tiếp để thực hiện từng dịch vụ khám chữa bệnh. Đây chính là định mức lao động cho nhân công trực tiếp được xác định cho từng dịch vụ kỹ thuật.
Bước 3: Xác định chi phí đơn vị theo giờ của từng loại hình lao động, phân loại theo trình độ chuyên môn.
Bước 4: Tính chi phí nhân công trực tiếp để thực hiện một dịch vụ khám chữa bệnh = ∑i Định mức lao động (số giờ) * Chi phí đơn vị theo giờ (i là nhóm nhân công theo từng loại hình).
3. Cách xác định chi phí nhân công gián tiếp
Các chi phí nhân công liên quan gián tiếp đến thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh được ước tính sử dụng phương pháp phân bổ chi phí. Nhân công gián tiếp là người lao động không trực tiếp thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh, thuộc khối các phòng chức năng, các khoa hỗ trợ chung (như khoa Dược, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa Dinh dưỡng…) và nhân công gián tiếp tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng.
Các bước phân bổ chi phí nhân công gián tiếp cho dịch vụ khám chữa bệnh như sau:
Bước 1: Xác định chi phí nhân công (bao gồm tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản đóng góp theo quy định) của người lao động thuộc khối các phòng chức năng và các Khoa hỗ trợ chung và nhân công gián tiếp tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng.
Bước 2: Phân bổ chi phí nhân công được xác định ở Bước 1 cho các Khoa thuộc khối lâm sàng và cận lâm sàng.
Bước 3: Dựa trên chi phí đã được phân bổ về từng Khoa thuộc khối lâm sàng và cận lâm sàng, phân bổ chi phí cho các dịch vụ khám chữa bệnh được cung ứng tại từng khoa.
4. Cách xác định chi phí quản lý
Các chi phí quản lý được quy định tại điểm d khoản 3 Điều 119 Nghị định 96/2023/NĐ-CP. Chi phí quản lý bao gồm chi phí phát sinh tại các bộ phận quản lý điều hành cơ sở khám chữa bệnh và các chi phí gián tiếp thực hiện dịch vụ khám chữa bệnh. Các bước phân bổ chi phí quản lý cho từng dịch vụ khám chữa bệnh như sau:
Bước 1: Xác định các nội dung chi thuộc phạm vi chi phí quản lý để tính tổng chi phí trong toàn bộ cơ sở khám chữa bệnh (chi phí C0).
Bước 2: Xác định tổng chi quản lý (chi phí C2) bằng cách trừ đi phần chi phí trực tiếp (chi phí C1) tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng:
C2=C0 - ∑C1
Bước 3: Phân bổ tổng chi phí quản lý cho từng khoa lâm sàng, cận lâm sàng theo tiêu chí phân bổ phù hợp.
Bước 4: Dựa trên chi phí đã được phân bổ về từng khoa, phòng thuộc khối lâm sàng và cận lâm sàng, phân bổ chi phí cho các dịch vụ khám chữa bệnh được cung ứng trong từng khoa, phòng.
T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)