Công tố viên ICC Karim Khan cho biết, ông đã đề nghị Phòng tiền xét xử I của ICC ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cùng 3 thủ lĩnh hàng đầu của Phong trào Hồi giáo Hamas là Yahya Sinwar, Mohammed Deif và Ismail Haniyeh với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Sau khi có quyết định trên, Nam Phi bày tỏ hoan nghênh, nhấn mạnh rằng, pháp luật phải được áp dụng bình đẳng cho tất cả mọi người nhằm duy trì nền pháp trị quốc tế cũng như và bảo vệ quyền lợi của nạn nhân.
Tuy nhiên, AFP đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích đề xuất bắt giữ lãnh đạo Israel "là thái quá". Nhà lãnh đạo nhấn mạnh, "bất kể công tố viên này có ám chỉ điều gì, không có sự tương đương giữa Israel và Hamas”.
Cùng ngày, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak bình luận, quyết định của công tố viên ICC không giúp ích trong việc tạm dừng giao tranh, giải cứu con tin hoặc viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza.
Ngày 21/5, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson cho biết, các nhà lập pháp nước này đang cân nhắc phương án áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ICC nếu cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu.
Tuyên bố của ông Johnson có đoạn: "Trong trường hợp thiếu sự lãnh đạo từ Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét tất cả các phương án, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt, để phạt ICC và đảm bảo rằng lãnh đạo của tòa án này phải đối mặt với hậu quả nếu họ tiến hành".
Chủ tịch Hạ viện Mỹ khẳng định: "Nếu ICC được phép đe dọa các nhà lãnh đạo Israel, thì các nhà lãnh đạo Mỹ cũng có thể là mục tiêu tiếp theo. ICC không có thẩm quyền đối với Israel hay Mỹ, và quyết định vô căn cứ và bất hợp pháp ngày hôm nay sẽ phải đối mặt với sự lên án toàn cầu".
Ông Johnson cũng cho rằng động thái của ICC đang đánh đồng các quan chức Israel với Hamas.
Theo baoquocte.vn.