Mở toang cánh cửa thông thương

Nhìn lại quá trình triển khai DA: Ngày 27/7/2009, Thủ Tướng Chính phủ có Văn bản số 1250/TTg-KTN, chỉ đạo việc đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả theo hình thức Hợp đồng BOT và BT. DA được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt theo Quyết định số 47/QĐ- BGTVT ngày 6/01/2012, ký Hợp đồng DA BOT và BT số 26/HĐXD-DEOCA ngày 8/11/2012.

Công trình hầm đường bộ Đèo Cả: Thành công nhưng vẫn cần rút kinh nghiệm - Hình 1

Hầm Đào Cổ Mã (22/8/2017)

Lễ động thổ xây dựng hầm đèo cả (mở cửa hầm) tiến hành ngày 28/12/2013. Hầm Cổ Mã hoàn thành tháng 6/2016, hầm Đèo Cả hoàn thành tháng 8/2017. Tổng mức đầu tư 11.378 tỷ đồng, giảm hơn 4.200 tỷ đồng.

Công trình hầm đường bộ Đèo Cả: Thành công nhưng vẫn cần rút kinh nghiệm - Hình 2

Hầm đường bộ Đèo Cả (22/8/2017)

Sáng 21/8/2017, tuyến hầm đường bộ Đèo Cả (gồm đèo Cổ Mã, Đèo Cả) chính thức thông xe, đi vào hoạt động. Trước đó, ngày 15/8/2017, Hội đồng nghiệm thu nhà nước, do các ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chủ trì, đã bỏ phiếu 100% đánh giá đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng. Thời gian kinh doanh công trình, dự kiến 28 năm, từ 1/1/2018 - 30/12/2045.

Chủ đầu tư DA - Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) số 0104567756 ngày 5/4/2010, do Sở KHĐT Hà Nội cấp. Sau đó, công ty này được Bộ KHĐT cấp GCNĐKĐT số 47/BKHĐT- GCNĐKĐTTN/ĐCl (cấp lần đầu 24/10/2012, thay đổi lần thứ nhất 20/6/2017). Theo Công ty Đèo Cả: Các phương tiện lưu thông qua hầm được miễn phí từ 21/8 đền 2/9/2017.  

Việc hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến hầm Đèo Cả, đối với các địa phương trong khu vực, như ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên đánh giá: “Hầm đèo Cả và tiếp sau là hầm Cù Mông, sẽ phá thế ốc đảo cho cả Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Định, mở toang cánh cửa thông thương, phát triển kinh tế, ANTT, quốc phòng, ATGT, kết nối giữa Khu kinh tế Nam Phú Yên và Vân Phong - Khánh Hoà… là niềm mơ ước, nguyện vọng của đảng bộ, nhân dân các thế hệ của địa phương”.

Với Khánh Hoà, Khu kinh tế Vân Phong đang được Chính phủ nghiên cứu cho cơ chế đặc biệt của đặc khu kinh tế, việc thông hầm Đèo Cả - Đèo Cổ Mã sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để đặc khu kinh tế này phát triển mạnh mẽ.

Vẫn cần rút kinh nghiệm

Thời gian qua, đánh giá về quá trình thực hiện DA hầm đường bộ Đèo Cả, hầu hết các ý kiến đều “khen”, nhưng cũng còn gợn lên một số “lăn tăn”:

Về chất lượng, có thể yên tâm, tin tưởng, khi công trình được nghiệm thu qua hội đồng cấp nhà nước ngày 15/8/2017.

Về tiến độ, theo ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty Đèo Cả: “6 năm triển khai dự án, trong đó 4 năm trực tiếp thi công”.

Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty Đèo Cả cho biết: “DA khởi công tháng 11/2012, dự kiến hoàn thàng tháng 7/2017”.

Nhưng nếu tính từ khi Công ty Đèo Cả được thành lập theo GCNĐKĐT số 0104567756 ngày 5/4/2010, do Sở KHĐT Hà Nội cấp, thời gian triển khai DA phải là 7 năm 4 tháng.

Tính từ ngày DA được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt theo Quyết định số 47/QĐ- BGTVT ngày 6/1/2012, công ty được Bộ KHĐT cấp GCNĐKĐT số 47/BKHĐT- GCNĐKĐTTN/ĐCl  lần đầu 24/10/2012, Bộ trưởng Bộ GTVT ký Hợp đồng DA BOT và BT số 26/HĐXD-DEOCA ngày 8/11/2012 thì trên dưới 5 năm. Còn tính từ Lễ động thổ xây dựng hầm Đèo Cả ngày 28/12/2013 mới chưa đầy 4 năm.

Theo ông Lê Quỳnh Mai: “Theo Văn bản 254 ngày 8/1/2014, Bộ GTVT chấp thuận tiến độ hoàn thành phần BT vào tháng 9/2016, toàn bộ dự án hoàn thành vào tháng 7/2017. Ngày 5/10/2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định 3107 v/v phê duyệt tài chính, trong đó nêu rõ thời gian thu phí của DA hầm Đèo Cả từ 1/1/2018, (Theo GCNĐKĐT số 47/BKHĐT- GCNĐKĐTTN/ĐCl, thời gian kinh doanh công trình dự kiến 28 năm, từ 1/1/2018 - 31/12/2045, thời gian kinh doanh chính thức được xác định theo các điều kiện của Hợp đồng, dự án, quyết toán dự án và quy định của pháp luật hiện hành).

Như vậy, việc hoàn thành đưa DA đưa vào khai thác ngày 21/8/2017, so với tiến độ chỉ chậm khoảng 1 tháng, với một “đại công trình” - đây là điều có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng: Theo Hợp đồng DA BOT và BT số 26/HĐXD- DEOCA ngày 8/11/2012, dự kiến cuối năm 2016, công trình sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Trong cuộc họp ngày 17/9/2013 của lãnh đạo Bộ GTVT với nhà đầu tư và lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, Bộ GTVT cho rằng DA đã chậm tiến độ 13 tháng.

Từ những nguồn tài liệu trên, DA có thể đã chậm tiến độ khoảng 8 tháng so với hợp đồng BOT và BT đã ký năm 2012?

Về tổng mức đầu tư, theo ông Lê Quỳnh Mai:
“Tổng mức đầu tư của DA từ 15.603 tỷ đồng, đã giảm xuống còn 11.378 tỷ đồng, tiết giảm hơn 4.200 tỷ đồng”.

Với hầu hết các công trình, phổ biến là phát sinh theo biến động giá cả thị trường, đây có thể coi là một kỳ tích. Nhưng thực tế, có đúng như vậy không, cần phải xem lại khâu lập, tính toán tổng mức đầu tư dự án ban đầu, phải qua kiểm toán? Nhiều chuyên gia cho rằng: Tổng mức đầu tư giảm hơn 4.200 tỷ đồng, thu phí trước 4 tháng so với Quyết định 3017 của Bộ GTVT (từ 1/1/2018), phải xem xét rút ngắn thời gian kinh doanh công trình? 

Công trình hầm Đèo Cả đi vào hoạt động như mong đợi. Thành công, thành tích là thực tế. Những công việc phải làm theo quy định của pháp luật còn tiếp tục. Nhưng cần phải rút kinh nghiệm cái tốt, cái chưa tốt trong tất cả các khâu, để các dự án sau triển khai tốt hơn.

Trần Minh Ngọc