Nhiều lần đòi tiền bất thành
Theo hồ sơ vụ kiện, ngày 27/12/2016, anh Lợi ký Hợp đồng đặt cọc với Công ty Kim Phát tại Dự án Khu đô thị mới Phước An (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Nội dung hợp đồng thể hiện hợp tác đầu tư xây dựng nhà ở.
Hợp đồng đặt cọc không thể hiện chủ đầu tư là công ty nào
Trong hợp đồng thể hiện Công ty Kim Phát là đơn vị được Công ty Việt Hưng Phát ủy quyền dựa trên Hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền bất động sản giữa chủ đầu tư và Công ty Việt Hưng Phát. Chủ đầu tư là ai không thể hiện.
Ngày 12/1/2017, anh Lợi đến công ty đóng bổ sung tiền cọc, nhưng nhân viên công ty hướng dẫn qua lô đất khác với giá cao hơn, vị trí xấu hơn, diện tích nhỏ hơn với lý do "lô đất đã cọc không hợp phong thủy".
Không thuyết phục được khách hàng, nhân viên công ty hẹn anh Lợi ngày khác đến giải quyết.
Các lần khác, anh Lợi đến công ty nhưng công ty không giải quyết mà chỉ ghi nhận thông tin ý kiến của khách hàng. “Khi tôi lên Công ty Kim Phát theo giấy hẹn, thì người hẹn trốn, không tiếp, không có văn bản trả lời, rồi cử nhân viên khác viết giấy hẹn khác. Sự việc cứ tiếp diễn trong thời gian dài”, anh Lợi cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Phúc Khang Corp là chủ đầu tư dự án này, chỉ ký hợp đồng cho Công ty Việt Hưng Phát phân phối sản phẩm, không ký với Công ty Kim Phát. Phúc Khang Corp cho biết, việc ký hợp đồng đặt cọc và nhận tiền cọc phải do công ty thực hiện, chứ công ty môi giới không thể làm điều này.
Hợp đồng vô hiệu!
Đó là lời khẳng định của Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tú – người bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn Nguyễn Xuân Lợi.
Khách hàng nhận giấy báo khởi kiện của Tòa án Nhân dân quận 10
Theo Luật Kinh doanh bất động sản, tại Khoản 3 - điều 63 và Khoản 5 - điều 67 quy định, bên môi giới chỉ được cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ các bên trong việc ký hợp đồng mua bán bất động sản, không được ký hợp đồng đặt cọc và hợp đồng mua bán, chuyển nhượng.
Trường hợp ký hợp đồng huy động vốn theo quy định tại Khoản 2 - điều 69 của Luật Nhà ở thì phải đáp ứng các hình thức, điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở và quy định tại Khoản 2 - điều 19 - Nghị định 99/2015/NĐ-CP:
“Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết quy định tại điểm này chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn quy định tại điểm này hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.
Theo Luật sư Tú, theo quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì Hợp đồng đặt cọc góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp tác đầu tư xây dựng nhà ở, mà Công ty Kim Phát ký với khách hàng là vô hiệu.
Nguyễn Lánh – Hàn Chương