Doanh nghiệp này cho biết, Nhà máy cần xây dựng trên diện tích 20 ha, với công suất xử lý rác là 4.000 tấn/ngày. Thời gian xây dựng nhà máy dự kiến là 2 năm.
Về công nghệ đốt rác, nhà đầu tư này nêu trong công văn rằng sẽ sử dụng công nghệ WES của Hoa Kỳ để xử lý rác thải rắn sinh hoạt hỗn hợp chưa phân loại.
Rác sau khi đưa về nhà máy sẽ có công nghệ tự phân loại, trong đó vật liệu có thể tái chế sẽ khử trùng tái sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Còn rác hữu cơ sẽ được ủ men vi sinh phân huỷ thu khí mê-tan, lọc sạch thành khí CNG để đốt phát điện qua tua-bin hơi nước.
Còn cặn bùn sau khi thu khí mê-tan từ rác hữu cơ sẽ được xử lý thành phân bón.
Với công suất xử lý dự kiến là 4.000 tấn/ngày, sẽ phát điện đến 100 MW/ngày. Đồng thời sẽ, bán tín chỉ carbon do thu dụng được khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính, góp phần thực hiện cam kết NetZero vào năm 2050 của Chính phủ.
“Chúng tôi tâm huyết thiết tha xây dựng được một nhà máy hiện đại xử lý rác thải tại TP. HCM với quy mô tương đương như nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Sóc Sơn, Hà Nội nhưng bằng công nghệ tiên tiến hơn” văn bản 03/CVĐ của nhà đầu tư nêu.
Hiện nay, TP. HCM có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt rác phát điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong đó, UBND Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Công ty Vietstar với công suất 2.000 tấn/ngày và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).
Ngày 20/7/2024, dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. HCM mới chính thức được khởi công.
Riêng dự án của Công ty cổ phần Tasco và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đang thực hiện các thủ tục liên quan đến việc đầu tư.
Hà Trần (t/h)