Một cánh rừng tại huyện KonpLông
Kon Plông là huyện còn nhiều rừng nhất của tỉnh Kon Tum. Nhiều năm qua, diện tích rừng tự nhiên nơi đây vẫn được giữ vững trước sự “tàn phá của lâm tặc” và nạn chặt phá rừng làm nương rẫy của người dân.
Theo báo cáo năm 2018, huyện Kon Plông hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp 128.927,98 ha, trong đó, diện tích đất có rừng hơn 112.961 ha. Năm 2017, các đơn vị chủ rừng đã giao khoán hơn 72.532 ha cho 2.587 hộ dân, 71 cộng đồng và nhóm hộ quản lý, bảo vệ.
Đội tuần tra, bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Konplông
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Konplông là DNNN, được thành lập theo QĐ số 97/QĐ-UB, ngày 30/10/1996 của UBND tỉnh Kon Tum, đơn vị quản lý rừng có diện tích lớn. Theo đó, Công ty trực tiếp quản lý, bảo vệ 55.403,57 ha rừng và đất rừng. Với diện tích rừng lớn, nhưng số CBNV chỉ khoảng 50 người nên công tác quảnlý, bảo vệ rừng (QLBVR) gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, từ nguồn Quỹ dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã có kinh phí tiến hành giao khoán rừng cho các hộ dân, cộng đồng thôn, làng trên địa bàn các xã Đăk Long, Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút. Qua đó, đã giúp hàng ngàn hộ dân có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và khai thác hiệu quả nguồn dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng được nhận giao khoán và công cuộc bảo vệ những cánh rừng nơi đây đạt hiệu quả cao.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, Vũ Văn Bắc cho biết: “Hiện đơn vị được giao quản lý diện tích rừng rất lớn, trong khi cán bộ làm công tác quản lý rừng khá mỏng, chính vì thế, rất cần sự chung tay, góp sức của mọi người dân trong việc giữ rừng. Có như vậy, công tác QLBVR sẽ hiệu quả hơn.
Những cánh rừng bên cạnh những thửa ruộng bậc thang, tạo nên những nét đẹp hấp dẫn cũng như sự gần gủi của người dân nơi đây với rừng
Từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, làng quản lý, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản giảm rõ rệt. Người dân ý thức được việc giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, được Nhà nước giao đất, giao rừng để QLBVR, năm sau cao hơn năm trước. Nhờ nhận khoán và bảo vệ rừng mà nhiều gia đình đã có mức thu nhập ổn định”.
Bên cạnh đó, công tác QLBVR còn rất nhiều gian nan, thử thách. Về điều kiện tự nhiên cũng như kinh tế - xã hội của địa phương, còn nhiều khó khăn, đời sống người dân còn nghèo, trình độ dân trí hạn chế, đã ảnh hưởng đến công tác QLBVR trên địa bàn. Diện tích rừng rộng lớn, sức ép dân số và nhu cầu sử dụng đất gia tăng, áp lực lên công tác QLBVR.
Đời sống của người dân địa phương và cộng đồng dân cư sống gần rừng phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác trái phép diễn ra phức tạp, khi người dân lén lút vào rừng xẻ gỗ làm nhà phục vụ nhu cầu thiết yếu vẫn diễn ra, kể cả diện tích đã giao khoán cho người dân QLBVR.
Rừng phủ một màu xanh khiến con đường đi tại huyện Kon Plong như lạc vào cõi tiên cảnh
Cơ chế, chính sách về giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà; quy hoạch vùng canh tác nương rẫy cho người dân… chưa được thực hiện nên vẫn còn tình trạng người dân phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép. Công tác vận động, tuyên truyền về QLBVR được chú trọng, song hiệu quả mang lại chưa cao. Một số người dân vẫn nghe lời các đối tượng vào rừng xẻ gỗ, cất giữ bán lại cho các thương lái…
Chung tay, chia sẻ để cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác QLBVR. Hãy xem đây là trách nhiệm không phải của riêng ai! Có như vậy - “lá phổi xanh” mới tràn trề sức sống! Đại ngàn bao la sẽ mãi phủ màu xanh tươi…
Hữu Văn