Ngày 10/4 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản tổ chức Hội thảo khoa học về “Tiềm năng di sản khu vực dự kiến xây dựng Công viên Địa chất Gia Lai- Một vài kết quả đánh giá bước đầu và lộ trình sắp tới”.

Hội thảo là một sự kiện quan trọng, khởi đầu cho một định hướng mới về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên đất Gia Lai. Gia Lai là vùng đất có đặc điểm địa chất, địa hình, địa mạo, đa dạng sinh học rất phong phú và đa dạng. Trên nền tảng đó cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã tạo lập nên các nền văn hoá dân tộc độc đáo, đậm đà bản sắc. Đây là những tiền đề hết sức thuận lợi để xây dựng CVĐC trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 1

PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học Việt Nam trình bày đề tài nghiên cứu "Giá trị văn hóa của các di tích khảo cổ vùng An Khê với Công viên Địa chất Toàn cầu"

Trong khuôn khổ của Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày những báo cáo nghiên cứu khoa học về tiềm năng của các giá trị văn hóa, khảo cổ, lịch sử học, đa dạng sinh học... đặc biệt là các giá trị DSĐC của Gia Lai như: Giá trị lịch sử văn hóa của các di tích khảo cổ vùng An Khê với CVĐC Toàn cầu; Khái quát về các giá trị di sản địa chất (thác nước) khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Giá trị văn hóa khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Khái quát về các giá trị di sản địa chất (di sản đá) khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Giá trị Tây Sơn Thượng đạo trong khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Khái quát về các giá trị di sản địa chất (núi lửa) khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Giá trị đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh; Giá trị đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; Khái quát về các giá trị di sản địa mạo khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Khái quát về tri thức bản địa khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai; Khái quát về CVĐC Toàn cầu của UNESCO, triển vọng xây dựng CVĐC Toàn cầu ở Gia Lai, phác thảo một số giá trị nổi bật, ranh giới dự kiến và lộ trình.

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 2

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 3

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 4

Các công cụ đá, rìu đá khai quật được tại vùng An Khê

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 5

Kết quả điều tra, khảo sát, nghiên cứu bước đầu cho thấy khu vực Đông Bắc tỉnh Gia Lai hội tụ được nhiều giá trị di sản, đặc biệt là các DSĐC. So với nhiều tỉnh Tây Nguyên và miền Nam Trung Bộ, có lẽ các giá trị DSĐC ở khu vực này có những đặc điểm là khá tập trung, khá điển hình, đa phần còn nguyên vẹn và một số biểu hiện DSĐC có giá trị, ý nghĩa quốc tế, không chỉ về khoa học, giáo dục mà còn có thể phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững.

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 6

Bản đồ địa mạo khu vực Gia Lai

Thành lập CVĐC nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tổng thể các giá trị di sản, trong đó Di sản Địa chất (DSĐC) đóng vai trò chủ đạo, là một mô hình mới ra đời trên thế giới khoảng 20 năm nay và đã được UNESCO chính thức công nhận và cổ súy. Danh hiệu CVĐC Toàn cầu có giá trị không kém gì các danh hiệu khác của UNESCO như Di sản Thế giới hay Khu dự trữ Sinh quyển Thế giới. Đến nay đã có 127 CVĐC của 35 Quốc gia được kết nạp vào Mạng lưới CVĐC Toàn cầu của UNESCO và con số này trong những năm sắp tới sẽ còn tiếp tục tăng nhanh.

Công viên địa chất Gia Lai-Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản - Hình 7

Sơ đồ phân bố di tích miệng núi lửa khu vực dự kiến xây dựng CVĐC Gia Lai

Khu vực Đông Bắc tỉnh Gia Lai có thể được coi là “xứ sở của các diện lộ đá thuộc loại cổ nhất Việt Nam”, “xứ sở của các thác nước hay “xứ sở của các miệng núi lửa”... Như vậy cộng thêm các nỗ lực đáp ứng một số tiêu chí khác như: có sự đồng thuận, quyết tâm của chính quyền và cộng đồng địa phương các cấp; Có ban chỉ đạo, ban quản lý mạnh, đủ năng lực điều hành CVĐC; Tích cực trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để làm nổ bật thêm hình ảnh của CVĐC và tích cực tham gia hội nhập quốc tế... thì nếu được thành lập, CVĐC Gia Lai hoàn toàn có triển vọng trở thành CVĐC Toàn cầu của UNESCO.

Kim Yến