Quang cảnh phiên họp toàn thể của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh phiên họp toàn thể của Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai (UAE) hồi cuối năm ngoái. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Baku, Azerbaijan, từ ngày 11-22/11/2024.

Trong bối cảnh một loạt thảm họa thiên nhiên đang gia tăng khắp các châu lục, COP29 được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên hành động mới, mạnh mẽ và đồng bộ hơn trên phạm vi toàn cầu.

Ngay trước thềm COP29, nhân loại đang phải đối diện với một trong những cuộc khủng hoảng khí hậu tồi tệ nhất.

Cuối tháng 10/2024, Tây Ban Nha trải qua đợt lũ lụt kinh hoàng chưa từng thấy trong lịch sử hiện đại, khiến hơn 220 người tử vong, hàng chục nạn nhân khác vẫn đang mất tích. Đáng chú ý, đây cũng là tháng 10 có lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận tại xứ sở đấu bò tót, cao gấp đôi mức thông thường trước đây. Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha AEMET cũng cho hay, nhiệt độ trung bình tháng qua tại quốc gia này cũng vượt ngưỡng bình quân tới 0,9 độ C.

Trên bình diện toàn cầu, chỉ trong vòng 2 tháng 9 và 10, thế giới liên tiếp chứng kiến siêu bão hình thành và càn quét qua nhiều châu lục.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Ảnh: Reuters
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Ảnh: Reuters

Tại châu Á, tháng 9/2024, bão Yagi đã đổ bộ vào Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Thái Lan… gây ra những hậu quả thảm khốc. Theo thống kê của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng vài chục năm qua, đồng thời khiến 20/25 tỉnh thành phố ngập lụt. Gần 3,3 tỷ USD là ước tính thiệt hại sơ bộ sau bão. Ngoài ra, 334 người đã bị chết, mất tích; 1.976 người bị thương hoặc sang chấn tâm lý nặng nề sau thiên tai (Số liệu công bố chính thức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Không chỉ Việt Nam, các quốc gia lân cận như Phillipines, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar… cũng chịu tác động nặng nề của Yagi. Tại Myanmar, lũ lụt và lở đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 226 người. Tổng số người chết ở Đông Nam Á do cơn bão gây ra cũng lên tới hơn 500 trường hợp.

Cũng trong tháng 9, bão Boris đã hoành hành tại nhiều nước Trung Âu, gây ra đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ ở khu vực. Ít nhất 26 người đã tử vong trong các sự cố liên quan.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), COP29 hứa hẹn là cơ hội quan trọng để tăng cường liên kết giữa thương mại, đầu tư và hành động chống biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Một trong những điểm nổi bật của sự kiện là Ngày Tài chính, Đầu tư và Thương mại khí hậu (FIT) vào ngày 14/11 tớ, với các cuộc thảo luận về cách thương mại và đầu tư có thể hỗ trợ các dòng tài chính khí hậu và giúp các quốc gia đang phát triển thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng.

Người tham gia sẽ có cơ hội tìm hiểu về vai trò của chính sách thương mại trong việc đạt được các mục tiêu khí hậu và phát triển bền vững. Ngoài ra, các sự kiện cấp cao khác sẽ tập trung vào các vấn đề như sàn giao dịch chứng khoán bền vững, nỗ lực khử carbon trong ngành thép và hydro, và tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là từ các nền kinh tế đang phát triển, vào chuỗi giá trị carbon thấp.

Bão Yagi càn quét gây thiệt hại cho nhiều tỉnh, thành của Việt Nam
Bão Yagi càn quét gây thiệt hại cho nhiều tỉnh, thành của Việt Nam

Giới quan sát nhận định tài chính khí hậu là một trong những vấn đề nóng nhất tại COP29 và cũng là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước. Cuối tháng Tám vừa qua, Liên hợp quốc đã công bố dự thảo về tài chính khí hậu dự kiến được đưa ra thảo luận tại COP29.

Tài liệu mang tên "Mục tiêu định lượng tập thể mới" (NCQG), muốn thay thế các cam kết của các nước phát triển về việc đóng góp 100 tỷ USD/năm nhằm giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự thảo nêu 7 phương án sơ bộ, trong đó phản ánh lập trường đối lập giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Từ năm 2009, các nước công nghiệp đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Cam kết này đã được xác nhận trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, kéo dài đến năm 2025.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đánh giá COP29 là bước ngoặt, giúp đảo ngược tình trạng thiên nhiên bị tàn phá. WWF cho rằng việc nhiệt độ phá kỷ lục không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà có liên quan đến biến đổi khí hậu và các đợt nắng nóng, cháy rừng cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác thường xuyên và dữ dội hơn, đe dọa đến đa dạng sinh học, hệ sinh thái và con người trên toàn thế giới.

WWF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân lập tức hành động một cách quyết đoán để giảm phát thải khí nhà kính. Điều này bao gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bảo vệ và phục hồi rừng cũng như áp dụng các biện pháp bền vững trên tất cả các lĩnh vực.

COP thường niên là nơi các chính phủ cùng họp bàn và đánh giá những nỗ lực toàn cầu trong việc thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 và Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, với mục tiêu then chốt là giới hạn sự tăng nhiệt độ toàn cầu dưới mức 1,5 độ C.

Thiên Trường (t/h)