Nguyên nhân là do doanh thu được điều chỉnh giảm 288 tỷ đồng, đồng thời chi phí doanh nghiệp điều chỉnh tăng do phải trích lập dự phòng hơn 50,5 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết được điều chỉnh thành lỗ 11 tỷ đồng.

Cùng với đó, kiểm toán đã đưa ra hàng loạt lưu ý về việc Hùng Vương chưa trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi số tiền 96,7 tỷ đồng và trên cơ sở giả định Tập đoàn sẽ tiếp tục hoạt động thì trong kỳ kế toán từ 1/10/2017 đến 31/3/2018, Tập đoàn đã phát sinh gần 380 tỷ đồng lỗ, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 697 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn của Tập đoàn cũng vượt quá tài sản ngắn hạn là gần 750 tỷ đồng. Điều này dẫn đến yếu tố trọng yếu cho thấy sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.

CTCP Hùng Vương rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Giải trình về vấn đề này Hùng Vương cho rằng, Tập đoàn đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư và tài sản cố định như việc bán 100% vốn tại Thực phẩm Sao Ta ghi nhận lãi hơn 213 tỷ đồng; thoái vốn tại Thức ăn chăn nuối Việt Thắng (trên 50%) ghi nhận lãi hơn 187,2 tỷ đồng; thanh lý BĐS tại công ty con, lô đất 765 Hồng bàng, HCM ghi nhận lãi hơn 229 tỷ đồng.

Bên cạnh đó công ty cũng đã đóng cửa một số cửa hàng, nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả; thỏa thuận với ngân hàng về vốn… Ban giám đốc tin rằng Tập đoàn sẽ khắc phục được khoản lỗ lũy kế hiện tại và do đó BCTC sẽ được lập trên cơ sở hoạt động liên tục. 

5 năm trước, Hùng Vương vẫn là doanh nghiệp có tài sản khủng và luôn nằm trong tốp những doanh nghiệp lớn mạnh nhất sàn chứng khoán. Tuy nhiên với chiến lược đa ngành, hiện “vua cá tra” một thời đã bật khỏi tốp đầu, lận đận với những khoản nợ khổng lồ và dòng tiền nhỏ giọt.

Thời điểm 2010, để cụ thể hóa tham vọng thống nhất ngành thủy sản, HVG đã mua lại hàng loạt công ty cùng ngành. Chiến lược này giúp công ty tăng doanh thu từ 4.700 tỷ đồng (năm 2010) lên hơn 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Nhưng sau một quá trình kinh doanh, “đế chế” này đã có dấu hiệu chững lại và kinh doanh sụt giảm liên tiếp. Cổ phiếu của doanh nghiệp  đã xuống vùng giá thấp nhất trong gần một thập niên qua, ở quanh mức 5.000 đồng/cổ phiếu.

Chủ tịch HĐQT HVG Dương Ngọc Minh từng chia sẻ, ban lãnh đạo đã mất ăn mất ngủ với tình trạng hiện nay của công ty và ông cảm thấy xấu hổ khi không hoàn thành các cam kết với cổ đông và từng nghĩ đến chuyện trong trường hợp xấu nhất sẽ bán toàn bộ tài sản để tất toán hết nợ nần và để có nguồn tiền trả lại cho cổ đông.

Bình luận về các phương án tái cơ cấu của “vua cá” Hùng Vương, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, việc tái cơ cấu nợ có thể thực hiện bằng hàng loạt phương pháp như bán bớt tài sản để trả nợ, tiếp tục thực hiện các dự án để có doanh thu, hoặc thoái vốn khỏi các công ty tốt để kiếm dòng tiền tốt. Mọi biện pháp là bước đi mạnh mẽ và hợp lý nhằm giải quyết dứt điểm các khó khăn để từ đó duy trì tài sản, thương hiệu công ty một cách bền vững hơn.

Vì nếu không làm như vậy thì gần như toàn bộ doanh thu tạo ra chỉ để giải quyết chi phí lãi vay mà không chi trả được nợ gốc. Nếu cứ tiếp tục hoạt động mà không tính đến tái cấu trúc nợ thì doanh nghiệp hầu như chỉ đem lại lợi ích cho các chủ nợ”, ông Hiển khuyến nghị.

Phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp này, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam chỉ rõ, Hùng Vương đã dùng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Khi thị trường biến động tiêu cực, dự án không sinh lời thì không thể gánh các khoản nợ nần. Nói cách khác, Hùng Vương rơi vào chính bẫy nợ từ cuộc chơi đòn bẩy tài chính.

Bảo Ngọc T/h