Năm 2017 Kiểm toán nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính của 201 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn tổng công ty và công ty; 5 chuyên đề; 5 dự án đầu tư xây dựng độc lập; kết quả tư vấn định giá của 7 doanh nghiệp cổ phần hóa.

Qua đó, KTNN chỉ ra hàng loạt sai sót, bất cập tại các dự án của Tập đoàn TKV với 22 lần nhắc tên trong báo cáo này.

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều dự án của Tập đoàn KTV có nguy cơ mất toàn bộ vốn - Hình 1

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra hàng loạt sai phạm trong hàng loạt dự án của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng Sản Việt Nam

Đối với TKV, một số dự án lập tổng mức đầu tư không sát thực tế dẫn đến trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Điển hình như dự án Tổ hợp Bauxit - Nhôm Lâm Đồng 2 lần tăng hơn 9.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư công trình khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Bát Xát - Lào Cai 3 lần tăng hơn 1.500 tỷ đồng; Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê một lần tăng hơn 1.100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó Tập đoàn TKV lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư. Ví dụ dự án tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng ký hợp đồng EPC vượt giá gói thầu làm tăng chi phí đầu tư 113 triệu USD.

Hai dự án lớn mà TKV ký hợp đồng khi chưa có kế hoạch đấu thầu được duyệt gồm dự án khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III (gói thầu số 1) và dự án đầu tư khai thác phần lò giếng khu Vàng Danh - mỏ than Vành Danh (gói thầu Đường lò khai thông).

Ngoài ra, tiến độ hoàn thành dự án của TKV còn chậm so với kế hoạch, còn để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Nghiêm trọng hơn, một số dự án có hiệu quả đầu tư thấp do trữ lượng không đạt như khảo sát, giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh hoặc đang thua lỗ lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư.

Tại dự án khảo sát thăm dò khoáng sản sắt tại Campuchia, TKV đã xin chủ trương giải thể công ty, trả lại dự án cho Chính phủ Campuchia. Số tiền đã chi cho dự án gần 93 tỷ đồng.

Tổng cộng TKV có 76 dự án chậm tiến độ, chiếm 47% tổng số dự án nhóm A, B (76/161), có một số dự án chậm từ 5 đến 7 năm.

Sáng 21/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV khai mạc. Ở kỳ họp này Quốc hội chỉ làm việc trong thời gian 20 ngày (không tính ngày nghỉ) và bế mạc vào 15/6. Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác...

Bảo Ngọc T/h