Chuỗi cửa hàng tiện lợi ZONE 24 tại 02 cơ sở ở Hà Nội gồm: Số 6 Phạm Văn Đồng, số 5 Trường Chinh bày bán nhiều sản phẩm hàng hóa đủ tem nhãn phụ, theo đúng quy định của pháp luật về hàng hóa.
Tuy nhiên, tại cửa hàng tiện lợi ZONE 24 tại 02 cơ sở ở Hà Nội gồm: Số 6 Phạm Văn Đồng, số 5 Trường Chinh vẫn bày và bán hàng hóa, sản phẩm "trắng thông tin, không tem nhãn phụ Tiếng Việt, không có cơ sở nhập khẩu.
Phóng viên Thương hiệu & Công luận "mục sở thị" 02/02 cơ sở của chuỗi cửa hàng tiện lợi ZONE 24 tại TP. Hà Nội đã ghi nhận như sau:
Ngày 22/02/2023, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế tại cửa hàng tiện lợi ZONE 24 có địa chỉ tại số 6Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Tại gian hàng thực phẩm đông lạnh, phóng viên ghi nhận một số sản phẩm, hàng hóa "trắng thông tin" như: Không có tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng…
Cầm trên tay túi sản phẩm đông lạnh “trắng thông tin” phóng viên Thương hiệu & Công luận hỏi nhân viên đây là gì? Nhân viên ngơ ngác không biết đó là cái gì? Sau khi gọi nhân viên khác ra hỏi thì được trả lời đây là “bánh gà phô mai”, đây là “kẹo”…
Tại gian hàng hoa quả tươi, các mặt hàng như: Nho, táo,cam… cũng chỉ có thông tin duy nhất là giá mà không có thông tin về nguồn gốc xuất xứ.
Xen lẫn những sản phẩm được dán nhãn đầy đủ thì nhiều sản phẩm, mỹ phẩm… có chữ viết nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... được bày bán trong cửa hàng tiện lợi ZONE 24 không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị phân phối cung cấp sản phẩm và những sản phẩm mang thông tin nước ngoài không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Vậy, những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua?
Cửa hàng tiện lợi ZONE 24 địa chỉ số 5 Trường Chinh phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội, bày bán hàng hóa "trắng thông tin" từ hàng tiêu dùng đến thực phẩm
Qua ghi nhận thực tế, cửa hàng tiện lợi ZONE 24 cơ sở này cũng bày bán nhiều loại thực phẩm, đồ gia dụng, đồ đông lạnh... Tuy nhiên tại cửa hàng bày bán cả sản phẩm, hàng hóa không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, "trắng thông tin".
Một sản phẩm khác đựng trong túi nilon đã hút chân không có ngày sản xuất (NSX), hạn sử dụng (HSD) và thông tin sản phẩm. Khi chúng tôi hỏi nhân viên đây là gì thì được trả lời là “chả cá”. Từ đó, người tiêu dùng cũng không biết các sản phẩm này còn HSD nữa hay không và có còn dùng được nữa hay không, cơ sở sản xuất ở đâu?
"Cầm trên tay những mặt hàng không có bất kỳ thông tin Tiếng Việt nào, lúc đầu chúng tôi rất lúng túng không biết sản phẩm đó tên gọi là gì nên đành phải quay sang hỏi người mua hàng đứng bên cạnh. Thậm chí, có sản phẩm cũng ngờ ngợ không biết là gì đành phải hỏi nhân viên bán hàng", một người tiêu dùng bày tỏ với phóng viên tại cửa hàng tiện ích ZONE 24 khi đang lựa chọn sản phẩm để mua.
Sự việc trên của 02 cơ sở cửa hàng tiện lợi ZONE 24 đã khiến nhiều người tiêu dùng thực sự bất ngờ và băn khoăn, nếu mua phải những sản phẩm không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Và các sản phẩm mà chuỗi cửa hàng tiện lợi ZONE 24 đang cung cấp có đảm bảo chất lượng cho khách hàng hay không?
Đề nghị cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ phận kiểm dịch của Sở Y tế kiểm tra để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Nghị định 43/2017 NĐ-CP thì ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, và cần thiết về sản phẩm lên trên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết và làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ, sử dụng; để nhà sản xuất kinh doanh có thể thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình cũng như để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra và kiểm soát. Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau:
1.Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định.
Khoản 4, Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP về mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”
Lê Pháp - Minh An