LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…

Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế nhà nước… nên luôn nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Liên quan tới công tác phòng, chống gian lận thương mại, thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và ghi nhận của Thương hiệu & Công luận, việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa tại một số cửa hàng, siêu thị chưa thực hiện nghiêm túc.

a
Siêu thị ĐÀ LẠT MART có địa chỉ tại Park 7 – Park Hill, KDT TimeCity, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc, trắng thông tin

Siêu thị ĐÀ LẠT MART có địa chỉ tại Park 7 – Park Hill, KDT TimeCity, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội bày bán hàng hóa, thực phẩm thiếu nguồn gốc xuất xứ và tem mác ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về sản phẩm.

A
Xương lợn được đóng khay xốp, bao màng bọc thực phẩm kín, không có tem nhãn.

Để ghi nhận những thông tin trên, ngày 24/12/2022, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế siêu thị ĐÀ LẠT MART có địa chỉ tại Park 7 – Park Hill, KDT TimeCity, Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Tại đây, Phóng viên ghi nhận, nhiều hàng hóa có tem nhãn đầy đủ, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, ngày sản xuất rất rõ ràng, giúp người tiêu dùng thuận lợi trong việc lựa chọn mua, sử dụng hàng hóa.

Bên cạnh đó, theo quan sát của Phóng viên, tại quầy rau quả và thực phẩm tươi sống, có nhiều khay hàng không ghi rõ nguồn gốc và không có tem sản phẩm, như hình dưới. Những sản phẩm trên không có bất kỳ thông tin hàng hóa nào.

a
Các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, các bộ phận nội tạng của lợn và các loại cá biển… không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cơ sở cung cấp, trắng thông tin.

Cụ thể, đối với một số loại hoa quả, rau… được đóng khay xốp, bao màng bọc thực phẩm kín, nhiều khay không có tem nhãn, một số có tem, giá nhưng không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, về các mặt hàng thịt lợn, thịt gà, các bộ phận nội tạng của lợn và các loại cá biển… cũng được bọc tương tự nhưng "trắng thông tin", không hạn sử dụng, không ngày đóng gói và không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cơ sở cung cấp.

H
Khay đựng hoa quả không có thông tin về nguồn gốc sản phẩm trong tem nhãn.

Nhiều sản phẩm nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt

Phóng viên tiếp tục khảo sát thì thấy, một số mặt hàng khác tại siêu thị ĐÀ LẠT MART như sản phẩm về mỹ phẩm, bánh kẹo… được bày bán nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có tem phụ bằng Tiếng Việt.

a
Bánh kẹo được bày bán đều không có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt, không rõ đơn vị nhập khẩu và phân phối.
a
Sản phẩm 100% tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt.

Như vậy, từ vấn đề trên, việc nhiều sản phẩm không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt… khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin sản phẩm. Vậy, những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua? 

Từ những ghi nhận nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, bộ phận kiểm dịch của Sở Y tế Hà Nội vào cuộc để giám sát việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Đối với nhóm hàng hóa là “Thực phẩm”, nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có); Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác được quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng…

Lê Pháp – Minh An