Cửa hàng Xanh Sẫm thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Xanh Sẫm được thành lập vào tháng 01/2021 do bà Lại Thị Hương làm đại diện pháp luật. Là một trong những thương hiệu trên thị trường với quy mô 03 cơ sở nằm trên địa bàn TP. Hà Nội gồm: Cửa hàng Xanh Sẫm số 51 Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa; Cửa hàng Xanh Sẫm A2 SO08, Vinhomes Gardenia Hàm Nghi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm và Cửa hàng Xanh Sẫm SH07 Park 2 – Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng.

Thương hiệu Xanh Sẫm được quảng cáo và bán hàng trên 02 nền tảng website: https://xanhsam.vn/ và Facebook: https://www.facebook.com/xanhsam.vn, với lời giới thiệu “Thực phẩm hữu cơ vì sức khỏe Sống xanh - Ăn sạch - Lòng thư thái”, cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an lành, không chất bảo quản từ những mặt hàng thực phẩm gần gũi nhất như: Gạo, rau, thịt, cá, hoa quả, đến những sản phẩm tiêu dùng như dầu gội, sữa tắm,…

Website và Facebook của thương hiệu Xanh Sẫm.
Website và Facebook của thương hiệu Xanh Sẫm.

Sáng ngày 24/12/2022 đã diễn ra sự kiện quan trọng đánh dấu cột mốc trong hành trình phát triển thương hiệu của Hệ thống cửa hàng Xanh Sẫm. Cửa hàng Xanh Sẫm đã chính thức khai trương thành viên thứ Ba tại địa chỉ SH07 Park 2 – Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Cửa hàng Xanh Sẫm bày bán nhiều sản phẩm. Xanh Sẫm có nhiều sản phẩm được bày bán đúng quy định, quy cách và được niêm yết đầy đủ từ giá, thông tin sản phẩm, nhãn phụ, hạn sử dụng, ngày sản xuất.

Tuy nhiên, Phóng viên Thương hiệu & Công luận “mục sở thị” tại cửa hàng Xanh Sẫm có địa chỉ SH07 Park 2 – Time City phát hiện hàng hóa, sản phẩm, thực phẩm không có tem nhãn theo quy định của pháp luật về nguồn gốc xuất xứ, tên sản phẩm, giá, ngày đóng gói, hạn sử dụng cũng như cách bảo quản… Điều này, gây khó khăn cho người tiêu dùng, khách hàng tìm hiểu thông tin về chất lượng của sản phẩm.

cửa hàng Xanh Sẫm có địa chỉ SH07 Park 2 – Time City
cửa hàng Xanh Sẫm có địa chỉ SH07 Park 2 – Time City, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội

Xanh Sẫm bày bán nhiều sản phẩm “trắng thông tin”

Theo quan sát của Phóng viên Thương hiệu & Công luận, cửa hàng Xanh Sẫm chia ra nhiều gian hàng, đa dạng các mặt hàng như: Gạo, rau - củ - quả, hoa quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, đồ ăn,… cho đến sản phẩm tiêu dùng.

Quan sát kỹ tại gian hàng bán thực phẩm đông lạnh, Phóng viên nhận thấy trên một số sản phẩm được bày bán tại cửa hàng thương hiệu Xanh Sẫm như: Cá bống, cá lăng, tôm… không có tem nhãn thể hiện nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói và ngày hết hạn sử dụng?

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau: Đối với nhóm hàng hóa là “Thực phẩm”, nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng (nếu có); Nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Một số sản phẩm cá, tôm được bày bán trắng thông tin, không nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn.
Một số sản phẩm cá, tôm được bày bán trắng thông tin, không nơi cung cấp sản phẩm, tên sản phẩm, trọng lượng, giá tiền, ngày đóng gói, ngày hết hạn.

Ngoài ra, một số sản phẩm khác tại cửa hàng Xanh Sẫm bày bán cũng không có tem nhãn như: Long nhãn,…

Sản phẩm long nhãn cũng không ten tem nhãn.
Sản phẩm long nhãn cũng không ten tem nhãn.

Như vậy, trên sản phẩm không ghi thông tin của sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, rất khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Từ đây, người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng sản phẩm có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ và làm thế nào để biết sản phẩm đó có thời hạn bao lâu?

… Suy giảm niềm tin của người tiêu dùng?

Cô N.T.T., sống tại khu vực Times City, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội đến mua thực phẩm tại cửa hàng Xanh Sẫm nhân dịp khai trương, loay hoay một lúc lâu không biết tên sản phẩm, trọng lượng và giá tiền sản phẩm mình đang chọn là bao nhiêu. Cô T., liền quay sang hỏi nhân viên bán hàng thì mới biết được đó là sản phẩm cá lăng và có giá 580.000 đồng/kg.

Sản phẩm không có ten nhãn khiến người tiêu dùng loay hoay không biết đó là cá gì, trọng lượng và giá tiền như thế nào?
Sản phẩm không có ten nhãn khiến người tiêu dùng loay hoay không biết đó là cá gì, trọng lượng và giá tiền như thế nào?

Tương tự, một người tiêu dùng khác cầm miếng cá hồi trên tay, hỏi nhân viên nam bán hàng: “Cá này có giá bao nhiêu tiền/kg?”. Bạn nhân viên nam trả lời: “Cá hồi nhà cháu có giá 850.000 đồng/kg, nhưng hôm nay khai trương nên được giảm giá còn 800.000 đồng/kg”. Người tiêu dùng đó trả lời: “Thế mà kêu ưu đãi giảm giá, 800.000 đồng/kg là hơi cao đấy, chứ có siêu thị có hơn 500.000 đồng/kg?”. Đáp lại, nhân viên đó giải thích rằng: “Đồ nhà cháu là đồ Organic nên giá hơi cao. Nhưng miếng nhỏ này chỉ có 250.000 đồng thôi mà”. Tuy nhiên, người tiêu dùng đó đã không mua miếng cá đó và trả lời: “Tại sao lại không dán giá tiền lên sản phẩm?”

Sản phẩm cá hồi được giới thiệu là Organic có giá 850.000/kg. Tuy nhiên trên sản phẩm lại không có thông tin về giá tiền, trọng lượng, ngày đóng gói cũng như hạn sử dụng khiến người tiêu dùng không biết sản phẩm đó giá bao nhiêu tiền/kg.
Sản phẩm cá hồi được giới thiệu là Organic có giá 850.000 đồng/kg. Tuy nhiên trên sản phẩm lại không có thông tin về giá tiền, trọng lượng, ngày đóng gói cũng như hạn sử dụng khiến người tiêu dùng không biết sản phẩm đó giá bao nhiêu tiền/kg.

Thiết nghĩ, để tránh gây khó khăn cho người tiêu dùng khi đi mua hàng, thì trên mỗi sản phẩm phải có tem nhãn đầy đủ thể hiện các thông tin cần thiết như: Đơn vị phân phối, giá cả, ngày đóng gói và hạn sử dụng… Như trên sản phẩm cá hồi mà cửa hàng Xanh Sẫm bày bán thì lại chỉ có thông tin xuất khẩu, phân phối và bảo quản mà không có thông tin về giá tiền, trọng lượng, ngày đóng gói cũng như hạn sử dụng. Việc này, vô tình khiến người tiêu dùng không biết được sản phẩm đó đóng gói từ khi nào và có thời hạn trong bao lâu?

Quy định của pháp luật về hàng hoá, tem nhãn

Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác được quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1.000.000 đến dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 17 trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng….

Trước thực trạng nêu trên, câu hỏi đặt ra trong toàn hệ thống cửa hàng Xanh Sẫm, hiện có bao nhiêu sản phẩm, thực phẩm không có tem nhãn vẫn đang được bày bán trong cửa hàng?

Người tiêu dùng cứ ngỡ đến đây sẽ mua được hàng có nguồn gốc rõ ràng, hàng chất lượng, giá cả phải chăng nhưng thực tế mà Phóng viên Thương hiệu & Công luận ghi nhận được khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra và có hình thức xử lý đối với hành vi kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem nhãn.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Lê Pháp – Minh An