“Tất cả hoạt động khai thác cát sau lệnh cấm đều bị coi là cát tặc”

Ông Hoàng Hồng Giang cho hay: Vừa qua, tôi có nhận được văn bản của UBND tỉnh Hà Nam nói về việc Công ty Phúc Lợi  Hà Nội vẫn cố tình triển khai, chúng tôi đã soạn văn bản gửi UBND tỉnh Hà Nam, yêu cầu, cho công an vào giám sát, coi tất cả những hoạt động khai thác, nạo vét sau thời điểm Cục ĐTNĐ Việt Nam ra lệnh cấm là cát tặc, bởi vì chúng tôi đã yêu cầu dừng nhưng công ty này vẫn cố tình thực hiện có nghĩa là vi phạm pháp luật.

Cục ĐTNĐ khẳng định: Sau lệnh cấm vẫn nạo vét cát thì bị coi là cát tặc! - Hình 1

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang: Sau lệnh cấm vẫn cố nạo vét thì bị coi là cát tặc!

 “Không thể để hoạt động phức tạp như vậy được. Cục đã ra lệnh dừng thứ nhất để khắc phục những bất cập, sau đó mới tính toán có tiếp tục cho DN làm tiếp hay không mà DN lại ngang nhiên không dừng”, ông Giang cho hay.

Cũng theo ông Giang: “Tôi sẽ yêu cầu tỉnh cho lực lượng công an vào cuộc. Đồng thời, Cục ĐTNĐ sẽ gửi văn bản sang Bộ Công an, đề nghị phối hợp xử lý”, vị Cục trưởng nhấn mạnh.

Theo đó, tại CV số 576/CĐTNĐ-QLKCHT ban hành ngày 10/4/2017 về việc thực hiện dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia, khu vực Việt Hùng, Phủ Lỗ, Hà Nam và bãi Chân Chim trên sông Hồng, địa phận Hà Nam, do Cục ĐTNĐ gửi UBND tỉnh Hà Nam có nêu: “Trường hợp nếu trên phạm vi công trường của các dự án có các phương tiện khai thác cát thì đó là hiện tượng khai thác cát trái phép.

Cục ĐTNĐ đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với CSGT, lực lượng Đội thanh tra an toàn đường thủy nội địa số 4 của Cục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.

Mới đây, trước thực trạng cát tặc núp bóng nạo vét luồng lạch để tận thu cát diễn ra quá nóng tại nhiều địa phương gây bức xúc dư luận và các cơ quan quản lý, hồi đầu tháng 4, thông tin trên báo chí, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ đã tuyên bố: Dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy.

Cụ thể, theo ông Giang, Cục ĐTNĐ đã thống nhất không tiếp tục thông qua chủ trương các dự án mới. Với các dự án cũ, Cục đã kiên quyết chấm dứt 22 dự án mà nhà đầu tư không đảm bảo điều kiện triển khai. Với 16 dự án có thời gian triển khai vào năm 2015 - 2016, dù có thể gia hạn theo hợp đồng, song đến cuối năm 2016, Cục cũng đã chỉ đạo dừng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV vào ngày 6 và 7/4, Cục trưởng Cục ĐTNĐ tuyên bố trên báo chí và 1 ngày sau đó về việc “dừng toàn bộ dự án nạo vét luồng đường thủy”, tại khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi Chim giáp ranh 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam, dưới danh nghĩa nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa quốc gia, hàng chục chiếc tàu cuốc vẫn hối hả làm việc ngày đêm trên sông Hồng, khu vực bãi Việt Hùng, Phạm Lỗ, Hà Nam và bãi Chim giáp ranh 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam. Ban ngày, 14 chiếc tàu nạo hút các vẫn hoạt động hết công suất, ban đêm các “thuyền viên” và các tàu cũng “lao động” không ngừng nghỉ.

Không hiểu, lệnh cấm của Cục ĐTNĐ chưa đến DN khai thác cát hay là DN phớt lờ lệnh cấm của lãnh đạo Cục ĐTNĐ và chủ trương của Chính phủ?

GĐ công an tỉnh Hưng Yên: Lòng sông Hồng có đoạn rất sâu, không cần phải nạo vét

Trao đổi về vấn đề nạo vét khai thác cát tại khu vực giáp ranh Sông Hồng, tại 3 tỉnh Hà Nam - Thái Bình - Hưng Yên, Đại tá Đỗ Đình Hào, GĐ Công an tỉnh Hưng Yên cho hay: Các tỉnh đều không đồng ý dự án nạo vét vì các đoạn sông từ Hà Nội về Hưng Yên, Hà Nam.

Thực tế, có rất nhiều mỏ cát do UBND tỉnh Hà Nam, UBND tỉnh Hưng Yên đã cấp phép cho các DN khai thác, mà khai thác với độ rất sâu, trong khi các DN vừa khai thác cát tại các mỏ thì Bộ GTVT lại cho các DN tiếp tục nạo vét dòng chảy tận thu các nguồn lợi sản phẩm ở đó thì sẽ chồng lấn lẫn nhau.

Trong quá trình DN nạo vét thì người dân cũng phản ứng rất nhiều, vì một dòng sông vừa gồng mình chịu khai thác theo mỏ cát, vừa bị Bộ GTVT cho phép nạo vét dòng chảy?

Ông Hào cho rằng: Thực sự việc tận thu là tận thu tài nguyên để bán, với mục đích lấy cát là chính. Vậy còn các mỏ cát, người ta khai thác quá đồ sộ, tới mức dòng sông Hồng có đoạn độ sâu hun hút. Tại sao tôi có thể khẳng định như thế, bởi vì trong quá trình tàu chở hàng đi qua khu vực sông này, có tàu bị tai nạn khi tàu bị chìm hút luôn cả người xuống, bởi vì một số thuyền viên người ta kịp thời nhảy ra nhưng vẫn bị hút xuống. Điều này thể hiện dòng sông rất sâu...

“Thực tế cho thấy, không cần nạo vét, thế nhưng không hiểu sao trên Bộ GTVT và Cục ĐTNĐ vẫn cấp cho việc đó, tôi thấy việc này cần phải xem xét lại”, ông Hào nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hào, quyết định của Chính phủ về việc sẽ giao việc nạo vét luồng lạch cho UBND tỉnh là hoàn toàn  hợp lý. Bởi UBND tỉnh cấp mỏ cát, người ta biết được đoạn nào không có mỏ cát mới cần nạo vét. Nếu dòng sông nông quá thì mới cần nạo vét, nhất là những dòng sông có cát bây giờ càng không cần nạo vét bởi các tàu khai thác cát quá sâu rồi.

Vị lãnh đạo công an tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, UBND tỉnh, các lực lượng chức năng, ngành tài nguyên môi trường, lực lượng công an có thể kiểm tra giám sát được việc này.

Nhóm PV