Trao đổi với PV, ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cuối năm và dịp Tết nguyên đán là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh tăng cao, thị trường hàng hóa từ đó có nhiều biến động và diễn biến phức tạp. Đây cũng là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội để trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm,…. với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi để trục lợi.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk
Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: PV)

Xin ông cho biết, năm 2020, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến như thế nào?

Đắk Lắk là tỉnh có địa bàn rộng, đặc thù có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đời sống của bà con ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, lợi dụng việc tiếp cận thông tin của bà con còn hạn chế, các đối tượng xấu đã có nhiều hành vi lừa đảo, gian lận thương mại thông qua việc đưa hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái về mời mời chào người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các lĩnh vực, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động mua bán hàng hóa của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, lưu trú, ăn uống, lữ hành... phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội.

Trong năm 2020, Lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, thu giữ nhiều mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19
Trong năm 2020, Lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, thu giữ nhiều mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 không đảm bảo. (Ảnh: PV)

Một số mặt hàng vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay, sát khuẩn..., do nhu cầu tiêu thụ cao của người tiêu dùng nên đã tăng giá đột biến và khan hiếm trong giai đoạn đầu khi dịch bùng phát.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào thời điểm những tháng cuối năm, trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các đối tượng có những thủ đoạn tinh vi, khó lường, như: Luôn thay đổi thời gian, phương thức vận chuyển, địa điểm tập kết hàng hóa; lén lút bày bán hàng giả lẫn hàng thật; lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách quản lý nhà nước để buôn lậu; mua bán hàng hóa thông qua giao dịch thương mại điện tử, mạng Internet và gửi nhận hàng qua bưu điện, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả được lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk thực hiện như thế nào trong năm qua, thưa ông?

Lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk luôn xác định vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ổn định thị trường.

Nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được QLTT tỉnh Đắk Lắk phát hiện và thu giữ
Nhiều mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được QLTT tỉnh Đắk Lắk phát hiện và thu giữ. (Ảnh: PV)

Trong năm 2020, Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh Đắk Lắk, phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các sở, ban, ngành, chính quyền 15 địa phương các cấp, tích cực, chủ động triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các hành vi kinh doanh trái phép khác. Vì vậy, đã thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bình ổn thị trường, giá cả, bảo vệ sản xuất, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Cụ thể, trong năm 2020, lực lượng QLTT đã tổng kiểm tra 1.107 cơ sở; xử lý vi phạm 551 cơ sở, phát hiện và xử lý 609 hành vi vi phạm; Tổng số tiền thu được qua xử lý: 4.017.134.631 đồng, trong đó tổng số tiền thu phạt phạm hành chính 3.381.999.892 đồng, trị giá hàng hóa tịch thu là 383.637.450 đồng; Tiền bán hàng hoá tịch và truy thu số lợi bất hợp pháp là: 251.497.289 đồng.

Trong năm 2020, kết quả kiểm tra và xử lý vi phạm của Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực Ban Chỉ đạo 389 Đắk Lắk do Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk chủ trì như sau: Tổng số cơ sở kiểm tra 29 cơ sở; xử lý 16 vụ; số tiền thu được qua xử lý là 657.372.360 đồng, trong đó: phạt vi phạm hành chính 607.300.000 đồng, giá trị hàng hóa tịch thu 49.330.000 đồng, tiền truy thu 742.360 đồng.

Trong năm 2020, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tổng kiểm tra tổng số cơ sở kiểm tra: 1.107 cơ sở; xử lý vi phạm 551 cơ sở, phát hiện và xử lý 609 hành vi vi phạm
Trong năm 2020, lực lượng QLTT tỉnh Đắk Lắk đã tổng kiểm tra tổng số cơ sở kiểm tra: 1.107 cơ sở; xử lý vi phạm 551 cơ sở, phát hiện và xử lý 609 hành vi vi phạm. (Ảnh: PV)

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch 399/KH-BCÐ389 ngày 9/10/2020 của BCÐ389/QG về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Cục QLTT đã tham mưu BCĐ 389 tỉnh Đắk Lắk và kết hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại điện tử... Điều đó, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững.

Vậy, công tác trọng tâm của đơn vị trong thời gian tới như thế nào, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021?

Để nhân dân tỉnh Đắk Lắk yên tâm mua sắm, đón Tết an toàn, đầm ấm, trên cơ sở bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh Đắk Lắk, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk sẽ mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Cụ thể, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:

Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán Tân Sửu như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, đường, …. Đơn vị kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt để tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường.

Nhiều tập thể, cá nhân được nhận khen thưởng đột xuất từ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk
Nhiều tập thể, cá nhân được nhận khen thưởng đột xuất trong năm 2020. (Ảnh: PV)

Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu cao, đơn vị cũng sẽ tập trung vào các kế hoạch chuyên đề như chống buôn lậu thuốc lá; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; xăng dầu kém chất lượng, thiếu số lượng; nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền… Đồng thời, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tỉnh như Công an, Bộ đội biên phòng, Y tế, Hải quan, … tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và tại các tuyến Quốc lộ huyết mạch trên địa bàn tỉnh như Quốc lộ 14, 26, 27…

Ngày 11/1/2021, Nghị định số 137/2000/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Để đảm bảo ổn định thị trường, đảm bảo để nhân dân đón Tết an toàn, Cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng trái phép các loại pháo.

Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk: Quyết liệt đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, kiểm soát thị trường dịp tết Nguyên đán Tân Sửu
Cục QLTT tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn quyết liệt đấu tranh chống hàng gian, hàng giả, kiểm soát thị trường dịp tết Nguyên đán Tân Sửu. (Ảnh: PV)

Ngoài ra, đơn vị sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt tập trung vào các khu chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố… Đồng thời, để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ.

Bên cạnh đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế như mặt hàng khẩu trang, thuốc sát trùng, găng tay y tế của người dân sẽ còn tăng cao. Do đó Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát, kiểm tra, xử lý quyết liệt, nghiêm cấm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tự tăng giá bất hợp lý để thu lợi nhuận cao đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Ngoài thị trường kinh doanh, buôn bán truyền thống, cuối năm và Tết nguyên đán cũng sẽ là thời điểm các đối tượng xấu lợi dụng thương mại điện tử (thông qua các website bán hàng trực tuyến, livestream bán hàng trên Facebook, Zalo…) để trục lợi, thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật về bản chất, công dụng của hàng hóa, giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng… Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo Tổ công tác Thương mại - Điện tử truyền thông của đơn vị thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xử lý các vụ việc hoặc chuyển hồ sơ đến các lực lượng chức năng có thẩm quyền xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử.

Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Hoàng Dương