Cục Thuế Hà Nội: Hướng dẫn lập, gia hạn nộp thuế bằng phương thức điện tử (Ảnh minh họa)
Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn lập, gia hạn nộp thuế bằng phương thức điện tử (Ảnh minh họa)

Theo đó, đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân chưa có tài khoản giao dịch điện tử về thuế, người nộp thuế đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và gửi Giấy đề nghị gia hạn qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Cục Thuế Hà Nội thông báo để người nộp thuế được biết và cập nhật các phiên bản ứng dụng phù hợp, sử dụng ứng dụng để lập và gửi Giấy đề nghị gia hạn theo phương thức điện tử. Việc lập và gửi Giấy đề nghị gia hạn theo phương thức điện tử được thực hiện trên các thiết bị điện tử có kết nối mạng internet, người nộp thuế không phải đến trực tiếp cơ quan Thuế, giúp hạn chế việc di chuyển và tiếp xúc trực tiếp nhằm phòng tránh lây lan dịch Covid-19, tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như chủ động thực hiện công việc.

Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gửi Giấy đề nghị gia hạn năm 2021 theo mẫu biểu ban hành kèm theo Nghị định (Giấy đề nghị gia hạn) đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp cho toàn bộ các kỳ của các sắc thuế và tiền thuê đất được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc theo quý) thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30/7/2021.

Trường hợp phát hiện Giấy đề nghị gia hạn đã nộp có sai sót, người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn thay thế chậm nhất là ngày 30/7/2021.

Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP thực hiện khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, đơn vị trực thuộc và các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc này cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc gửi Giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, đơn vị trực thuộc.

Trường hợp hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng gia hạn theo quy định tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP có các địa điểm kinh doanh hoạt động trên nhiều địa bàn và được cấp mã số thuế riêng để kê khai hoặc nộp thuế theo Thông báo của cơ quan thuế thì hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng mã số thuế được cấp để lập và gửi Giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp địa điểm kinh doanh.

Nếu hộ, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh do cùng một cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì chỉ gửi một Giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp các địa điểm kinh doanh đó.

Để kê khai chính xác các thông tin trên Giấy đề nghị gia hạn năm 2021, Cục Thuế Hà Nội hướng dẫn kê khai các chỉ tiêu tại Giấy đề như gia hạn như sau:

Cơ quan thuế: Là cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế hoặc cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh, đơn vị trực thuộc, địa điểm kinh doanh theo hướng dẫn tại mục 1;

Chỉ tiêu [01], [02], [03], [04]: Người nộp thuế kê khai đầy đủ thông tin Tên, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người nộp thuế;

Chỉ tiêu [05], [06]: Người nộp thuế kê khai đầy đủ thông tin Tên, mã số thuế của đại lý thuế;

Chỉ tiêu [07]: Người nộp thuế phải tích chọn các loại thuế đề nghị gia hạn và được gia hạn theo quy định tại Nghị định, bao gồm:

Thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp, tổ chức

Thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp, tổ chức

Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh

Tiền thuê đất

Khu đất thuê 1: …………..

Khu đất thuê 2: …………..

Người nộp thuế lưu ý liệt kê chi tiết thông tin về từng khu đất thuê thuộc đối tượng được gia hạn tiền thuê đất bao gồm:

Cơ quan thuế quản lý khu đất: Là cơ quan thuế ban hành thông báo nộp tiền thuê đất;

Tỉnh/thành phố; Quận/huyện/thị xã; Địa chỉ chi tiết của Khu đất;

Số thông báo nộp tiền thuê đất: Là số thông báo nộp tiền thuê đất của cơ quan thuế; trong đó người nộp thuế lưu ý nhập riêng phần Số và phần Ký hiệu. Ví dụ: Thông báo số 01/TB-CTTPHCM thì người nộp thuế điền "01" vào phần Số; điền "/TB-CTTPHCM" vào phần Ký hiệu.

Chỉ tiêu [08]: Người nộp thuế phải tích chọn trường hợp được gia hạn:

Mục I. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ:

Người nộp thuế lựa chọn gia hạn theo trường hợp này phải chọn cụ thể người nộp thuế là doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp siêu nhỏ và kê khai đầy đủ thông tin về lĩnh vực hoạt động, số lao động, doanh thu, nguồn vốn theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, năm liền kề theo quy định tại các Điều 8,9,10 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP là năm 2020, nếu tại thời điểm gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế doanh nghiệp chưa có báo cáo tài chính năm 2020 do áp dụng năm tài chính khác năm dương lịch thì sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính năm 2019.

Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế giá trị gia tăng hoặc khai thuế thu nhập doanh nghiệp riêng và đề nghị gia hạn theo trường hợp là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ thì thông tin về lĩnh vực hoạt động, số lao động, doanh thu, nguồn vốn lấy theo thông tin của doanh nghiệp, tổ chức chủ quản.

Mục II: Theo lĩnh vực hoạt động:

Người nộp thuế tự xác định theo quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính; Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ; Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 15/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Người nộp thuế là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định theo danh mục do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.

Nguyễn Kiên