Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Cục Thuế Hà Nội cho biết, số lượng người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, cơ quan thuế đã thực hiện công khai năm 2022, nhưng người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước là 3.454 người nộp thuế, với số tiền gần 7.760 tỷ đồng. 

Cùng với đó, số lượng người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước thuộc diện là người nộp thuế công khai lần đầu là 929 người nộp thuế, với số tiền nợ thuế hơn 1.490 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn được Cục Thuế Hà Nội công khai lần đầu, như:

Công ty cổ phần Công nghệ thương mại Giga 1 có mã số thuế 0102349978 (địa chỉ tầng 4, Tòa nhà Star Tower, lô D32 Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) nợ 23 tỷ đồng.

Số tiền Công ty Giga 1 đã nộp đến cuối tháng 3/2023 là 2,5 tỷ đồng. Như vậy, công ty này còn nợ thuế hơn 20,5 tỷ đồng. Trong các khoản nợ thuế chây ỳ, có thể kể đến nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh 19,7 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nợ trên 2 tỷ đồng…

Công ty CP Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes (địa chỉ Bamboo Airways Tower số 265, Cầu Giấy) nợ hơn 13 tỷ đồng, đến cuối tháng 3/2023 đã trả 1,2 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Công ty FLC Homes nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hơn 11 tỷ đồng và đã trả nợ 1,2 tỷ đồng; nợ tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công đều hơn 1 tỷ đồng…

Cũng theo Cục Thuế Hà Nội, một số doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn như Công ty CP Tập đoàn Điện tử công nghiệp Việt Nam (mã số thuế 0100101837) nợ thuế “khủng” gần 98 tỷ đồng và trong quý 1/2023, vẫn chưa trả bất kỳ đồng nợ thuế nào.

Trong đó, tiền chậm nộp khác nợ hơn 31 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng và nợ thuế giá trị gia tăng đều gần 21 tỷ đồng, tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nợ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đều gần 12 tỷ đồng…

Công ty CP Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam (địa chỉ số 444, đường Bạch Đằng), hoạt động kinh doanh các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm, linh kiện điện tử, điện dân dụng, các loại máy móc và thiết bị văn phòng; xây dựng các công trình giao thông, công trình kỹ thuật dân dụng... Đây là doanh nghiệp nằm trong danh sách nợ thuế chây ỳ của Cục Thuế Hà Nội, trong rất nhiều năm qua.

Nhiều doanh nghiệp, trước đây thuộc Tổng công ty Thăng Long, một đơn vị xây dựng cầu đường lớn của Việt Nam, cũng nợ thuế kéo dài, như: Công ty CP Xây dựng số 8 Thăng Long (địa chỉ số 86, đường Tân Xuân, Bắc Từ Liêm), nợ hơn 18 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng số 9 Thăng Long (địa chỉ số 2, phố Tân Xuân), nợ khoảng 16,5 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng số 12 Thăng Long (địa chỉ số 134, đường Phạm Văn Đồng) nợ khoảng 28,5 tỷ đồng…

Tổng công ty Thăng Long (tiền thân là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải), được thành lập năm 1973 và cổ phần hóa cuối tháng 3/2014. Doanh nghiệp này được biết đến là nhà thầu thi công nhiều công trình cầu, đường và hạ tầng giao thông, với quá khứ huy hoàng khi thi công hàng hàng cầu lớn, hàng nghìn công trình dân dụng, công trình giao thông, bến cảng, sân bay như cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu đường sắt, cầu Pá Uôn, đường cao tốc Sài gòn - Trung Lương, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ...

Tuy nhiên, từ sau cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này có dấu hiệu dần sa sút, doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận "teo tóp". Nhiều năm trước đây, công ty mẹ đã phải tiến hành thoái 100% vốn tại hàng loạt công ty thành viên...

Thời gian tới, Cục Thuế Hà Nội sẽ tiếp tục tiến hành nhiều giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Cục Thuế cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế là bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế, khi doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Nhằm đôn đốc các khoản nợ thuế, bên cạnh bên cạnh thi hành các biện pháp nhắc nhở, cưỡng chế phù hợp để động viên người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, nhiều cục thuế mạnh tay áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật và kỳ vọng, mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 4, Cục Thuế Hà Nội ra thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật là ông Trần Văn Lương, Tổng giám đốc và ông Hoàng Trung Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công trình và thương mại giao thông vận tải (mã số thuế 0100104725).

Lý do tạm hoãn xuất cảnh, do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 6/4/2023 đến khi công ty này hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Phương Thảo (Th)