Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, tháng 11/2017 - Ảnh: Reuters.
Cuộc gặp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo được dự báo sẽ thu hút sự chú ý sát sao của các đồng minh Mỹ ở châu Âu cũng như những người có quan điểm chỉ trích Nga ở Mỹ - Reuters đưa tin.
Kế hoạch về cuộc gặp nói trên được Washington và Moscow công bố đồng thời một ngày sau khi hai bên đạt thỏa thuận về vấn đề này trong chuyến thăm Nga của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. "Hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về mối quan hệ Mỹ-Nga và một loạt vấn đề an ninh quốc gia", Nhà Trắng nói trong một tuyên bố tương tự như tuyên bố được điện Kremlin đưa ra.
Trước khi gặp ông Putin, ông Trump sẽ tham dự thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào ngày 11-12/7 và thăm Anh. Việc tổ chức cuộc gặp vào ngày 16/7 cho phép ông Putin có thể tham dự lễ bế mạc vào ngày 15/7 của cúp bóng đá thế giới (World Cup) mà Nga đang đăng cai.
Trợ lý điện Kremlin, ông Yuri Ushakov nói hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận trong nhiều giờ đồng hồ, và sau cuộc gặp, hai bên có thể ra một tuyên bố chung về cải thiện quan hệ Nga-Mỹ và an ninh quốc tế.
Ông Trump và ông Putin từng gặp nhau hai lần bên lề các sự kiện quốc tế và có ít nhất 8 cuộc điện đàm, nhưng chưa gặp chính thức lần nào.
Cuộc gặp thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo có thể gây lo lắng cho các đồng minh của Mỹ vốn muốn cô lập Nga, chẳng hạn như nước Anh. Từ trước khi lên cầm quyền, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm thân thiện bị cho là "quá mức" với Nga, khiến các nước đồng minh của Mỹ và một số quốc gia như Ukraine nghi ngại.
Ông Trump và ông Putin cũng từng nhiều lần khen ngợi lẫn nhau, trong đó ông Putin từ đánh giá cao cách ông Trump điều hành nền kinh tế. Hồi tháng 3, khi ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga, ông Trump đã gọi điện chúc mừng.
Gần đây, mối quan hệ Washington-Moscow xấu đi do cuộc xung đột ở Syria và vụ hạ độc một cựu điệp viên hai mang người Nga ở Anh - vụ việc dẫn tới hai bên trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao của nhau.
Tuy nhiên, với cuộc gặp này, giới phê bình vẫn có thể đặt ra nhiều câu hỏi mới xung quanh cam kết của ông Trump với NATO. Ngoài ra, cuộc gặp còn diễn ra giữa lúc Mỹ căng thẳng với một số đồng minh lâu năm như Canada và Đức xung quanh vấn đề thương mại.
Dù siết trừng phạt Nga, ông Trump vẫn bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow. Một vấn đề lớn phủ bóng lên quan hệ Mỹ-Nga kể từ khi ông Trump lên cầm quyền là kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ cho rằng Moscow tìm cách cam thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump.
Cả Nga và ông Trump đều phủ nhận cáo buộc này. Hiện công tố viên đặc biệt của Mỹ vẫn đang điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, và cuộc điều tra này đã bị ông Trump gọi là "cuộc săn phù thủy".
Phát biểu trước báo giới ở Moscow, ông Bolton nói rằng vấn đề Nga bị cho là can thiệp vào chính trị Mỹ có thể sẽ được thảo luận tại cuộc gặp giữa hai vị Tổng thống.
Theo ông Bolton, ông Trump cũng có thể đề cập đến vấn đề Nga trở lại nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để đưa nhóm này trở thành thành G8.
Sau cuộc gặp chớp nhoáng bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam vào tháng 11/2017, ông Trump bị chỉ trích ở Mỹ vì nói rằng ông tin ông Putin khi ông Putin phủ nhận những cáo buộc về việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter vào ngày 28/6, trước khi kế hoạch gặp ở Helsinki được công bố, ông Trump một lần nữa tỏ ra không tin có sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử ở Mỹ. "Nga tiếp tục nói họ chẳng liên quan gì đến can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng ta", ông nói.
Vào hôm thứ Tư, ông Trump nói rằng vấn đề Syria và Ukraine sẽ là hai trong số những chủ đề mà ông dự kiến sẽ bàn bạc khi gặp ông Putin.
Theo Vneconomy