Từ cơ quan quản lý đến bản vẽ địa chính đều xác nhận rõ ràng thửa đất của người dân đi cặp kênh nổi có trên 35 năm nay. Tuy nhiên, khi thi công kênh tưới mới, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã phóng thẳng vào đất đang có quyền sử dụng hợp pháp của dân.
Bản vẽ thửa đất 878 và 888 của ông Dũng trên giấy chứng nhận QSDĐ thể hiện rõ đất của ông cahcs nhau 1 con kênh với đất bên cạnh
Trong đơn kêu cứu của mình, ông Lê Hữu Dũng (35 tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP. HCM) cho rằng, UBND huyện Đức Hòa (Long An) đã ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất sai luật đối với các thửa đất của ông để phục vụ việc thi công kênh khu tưới Đức Hòa thuộc Dự án thủy lợi Phước Hòa. Theo ông Dũng, các quyết định này đã gây thiệt hại nặng nề cho gia đình ông và Nhà nước.
Thấy đất trống thì phóng vào!
Đầu năm 2010, ông Dũng mua thửa đất 878 tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc (Đức Hòa, Long An) với tổng diện tích 1.144 m2. Sau đó, ông chuyển mục đích sử dụng 300 m2 thành đất ở nông thôn (tách thành thửa 888) để làm nhà ở và đầu tư xưởng phế liệu. Đất của ông Dũng nằm cạnh đất của Công ty giấy Trần Thành mà theo bản vẽ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 2 mảnh đất này cách nhau một con kênh ngang 3,5 m.
Năm 2013, UBND xã thông báo về dự án làm kênh tưới mới và cho biết sẽ lấy một phần đất của ông Dũng phục vụ cho dự án. Tháng 11 cùng năm, ông Dũng nhận được các quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Khi nhận các giấy tờ này, ông mới được biết vào tháng 3/2013, cơ quan chức năng đã đến thống kê chi tiết tài sản của ông để thực hiện chiết tính đền bù mà không có sự hiện diện của ông. Ông tiếp tục nhận được các quyết định thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ thiệt hại về đất, tài sản vào tháng 6/2014.
Tuy nhiên, ông Dũng đã liên tục phản đối việc thu hồi đất này. Trên thực tế, việc phóng tuyến kênh mới không căn cứ từ tim kênh cũ, để lấy ra hai bên giữa đất của ông Dũng và Công ty Trần Thành, mà được “uốn” thẳng đi vào giữa đất của ông, khiến ông mất toàn bộ đất và tài sản trên đất.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Em Tự Triều, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp (BQLDANN, Sở NN-PTNT Long An) cho biết, kênh tưới đang thi công nói trên thuộc Dự án khu tưới Đức Hòa (Dự án thủy lợi Phước Hòa), do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. BQLDANN được giao quản lý, xây lắp, bồi thường. Việc tuyến kênh đi thẳng vào đất nhà ông Dũng mà không đi theo tim kênh cũ là do quy hoạch thiết kế của… đơn vị tư vấn thiết kế và tổ giám sát cộng đồng.
Đơn vị tư vấn thiết kế mà ông Triều “đổ lỗi” là Công ty CP TVXD Thủy lợi Long An, một DN tư nhân do BQLDANN thuê mướn. Đại diện đơn vị này cho biết, vào cuối năm 2011, khi đi đo vẽ để phóng tuyến kênh, đến giữa khu đất của ông Dũng và Công ty Trần Thành, thì không thấy kênh cũ tồn tại. Và lấy lý do phía đất Công ty Trần Thành đã có nhà xưởng, còn phần của ông Dũng là đất trống nên họ đã vẽ tim kênh mới vào thẳng giữa đất của ông này (?).
Quản lý lỏng lẻo, gây thiệt hại cho dân và cả Nhà nước
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà xưởng của Công ty Trần Thành xây dựng không phép, xây chiếm luôn phần đất kênh nổi trước đây. Do đó, khi đi đo vẽ, đơn vị tư vấn thiết kế của BQLDANN đã không biết kênh cũ nằm ở đâu, kể cả người dân tham gia tổ giám sát cộng đồng cũng “ú ớ”. Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa đã xác nhận hành vi xây dựng trái phép và xây trên đất công của Công ty Trần Thành.
khu đất và nhà xưởng của ông Lê Hữu Dũng ( bên trái)
Ông Út cũng thừa nhận một thực tế là cán bộ ở các xã đã buông lỏng quản lý, để việc xây cất trái phép tràn lan, kéo dài mà không xử lý để cuối cùng gây thiệt hại cho người dân, cũng như Nhà nước.
Theo chúng tôi, nếu xử lý nạn xây dựng trái phép triệt để, việc phóng tuyến kênh đi thẳng vào đất nhà ông Dũng đã không xảy ra. Ông Út hứa sắp tới sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong xây cất, buộc tháo dỡ, kể cả cán bộ các địa phương đã không làm tròn trách nhiệm.
Về phía BQLDANN, trả lời chất vấn của chúng tôi về việc “khi đã có khiếu nại của ông Dũng nhưng vẫn giữ nguyên tuyến kênh như hồ sơ thiết kế là không thực thi hết trách nhiệm của mình?”, một cán bộ của BQLDANN thừa nhận có sai sót của đơn vị tư vấn thiết kế, thiếu phối hợp với địa phương và tham khảo bản đồ địa chính. Trước sự chứng kiến của chúng tôi, đại diện đơn vị tư vấn thiếu kế “cãi” lại, cho rằng họ không hề biết gì về hiện trạng xây cất, đất đai tại các địa phương, khi đo vẽ cũng có tham khảo ý kiến UBND xã (?). Người này còn cho biết, trên thực tế khi đi đo vẽ, trường hợp bị phóng thẳng vào đất như ông Dũng khá nhiều (?!). Điều này đúng với thực tế khi chúng tôi đi quan sát công trình đang thi công dở này ở ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc. Nhiều đoạn kênh tưới mới đã xây dựng “uốn lượn” ngoằn ngoèo, không nằm thẳng theo kênh cũ. Khi chúng tôi chất vấn “vậy phần đất thuộc vị trí kênh cũ sẽ trở thành lãng phí, không dùng vào việc gì?” thì đại diện BQLDANN cho rằng số đất công ấy không đáng kể (?).
Được biết, toàn tuyến kênh thuộc Dự án khu tưới Đức Hòa (Dự án thủy lợi Phước Hòa) có chiều dài 182 km, đi qua 14 xã, với khoảng 6.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Có 3 trường hợp bị cưỡng chế thu hồi đất. Trong đó, có trường hợp ông Dũng. Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Dũng đã nhiều lần khiếu nại lên huyện và cả thanh tra tỉnh, nhưng không được giải quyết thỏa đáng. Ngày 15/1 vừa qua, ông Dũng đã có đơn khởi kiện các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của UBND huyện Đức Hòa ra TAND huyện. Chính quyền huyện đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất, nhà xưởng của ông vào ngày 16/1. Nhưng theo thông tin mới nhất, cuối cùng việc cưỡng chế đã bị tạm ngưng mà chưa rõ lý do?.
Nam Anh