Trong khi đương kim Tổng thống cố gắng thuyết phục cử tri vốn đang lo ngại về lạm phát rằng, nền kinh tế đang mạnh khoẻ, vị cựu Tổng thống lại cho rằng nước Mỹ hiện nay chỉ là một “vùng đất hoang thương mại”.

Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Joe Biden (trái) và ông Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.
Hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, ông Joe Biden (trái) và ông Donald Trump. Ảnh Bloomberg.

“Nước Mỹ có nền kinh tế tốt nhất thế giới”, ông Biden phát biểu trong chương trình Today của đài NBC hôm thứ Hai tuần này, vạch ra một luận điểm giữ vai trò trung tâm trong chiến dịch tái tranh cử.

Giới quan sát nhận định vị thế kinh tế của Mỹ trên trường quốc tế đang trở thành một chủ đề tranh luận gay gắt trong giai đoạn đầu của cuộc chạy đua trực tiếp giữa hai ứng cử viên.

“Chúng ta là một quốc gia với nền kinh tế đang suy sụp, với chuỗi cung ứng đứt gãy, với những cửa hiệu không có đủ hàng hoá, với những chuyến giao hàng không đến nơi”, ông Trump nói tại một sự kiện vận động tranh cử ở bang Georgia hồi tháng Ba.

Tuy nhiên theo hãng tin CNBC, các con số thống kê lại vẽ nên một bức tranh khác so với những gì ông Trump nói và phù hợp hơn với những gì ông Biden nói về nền kinh tế Mỹ.

Trong đó, lạm phát ở Mỹ đã giảm mạnh từ mức đỉnh của hơn 4 thập kỷ thiết lập vào năm 2022, dù có dấu hiệu “nóng” trở lại trong mấy tháng gần đây. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng 2,5% trong năm 2023, vượt mức tăng của nhiều nền kinh tế phát triển khác. Một báo cáo đầu năm nay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Mỹ sẽ duy trì thế dẫn trước trong năm 2024, dù tốc độ tăng trưởng có thể hạ về 2,1%.

“Nền kinh tế Mỹ đang dẫn đầu trong nền kinh tế toàn cầu, giữ vai trò là đầu tàu kinh tế của thế giới”, nhà kinh té trưởng Mark Zandi của tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s nói với CNBC.

Ảnh minh họa của Reuters.
Ảnh minh họa của Reuters.

Lạm phát ở Mỹ cũng giảm nhanh hơn so với ở các nền kinh tế phát triển khác. Chẳng hạn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Canada tăng 3,9% trong năm 2023; còn ở Đức, mức tăng là 5,9%. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng mỗi quốc gia có một phương pháp tính lạm phát khác nhau, dẫn tới khó so sánh chuẩn xác.

Tuy vậy, ông Zandi khẳng định tình hình lạm phát ở Mỹ hiện đang tốt hơn so với nhiều nền kinh tế lớn khác. “Nếu sử dụng phương pháp tính lạm phát như của Liên minh châu Âu (EU), lạm phát ở Mỹ đã giảm dưới mục tiêu 2% của Fed rồi”, ông nói.

Và dù lãi suất tăng cao, thị trường việc làm của Mỹ vẫn mạnh. Báo cáo của công ty dịch vụ tuyển dụng ADP công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ có thêm 184.000 công việc mới trong tháng Ba, vượt xa mức dự báo 155.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Đây cũng là mức tăng trưởng việc làm mạnh nhất của Mỹ kể từ tháng 7/2023.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục trong mấy tháng gần đây và giá nhà cũng tăng mạnh dù bắt đầu có dấu hiệu giảm về nguồn cung nhà tăng lên. Dù có những mối lo ngại rằng lạm phát có thể dai dẳng ở mức cao hơn so với mục tiêu của Fed, ông Zandi nói các yếu tố nền tảng của nền kinh tế Mỹ hiện nay là gần như lý tưởng.

“Đây là một bức tranh kinh tế hoàn hảo. Khó có thể phủ nhận được”, nhà kinh tế trưởng của Moody’s nói.

Sự vượt trội của nền kinh tế Mỹ hiện nay được cho là kết quả của nhiều yếu tố. “Nhờ cả chính sách và sự may mắn”, nhà kinh tế Joseph Gagnon của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington nhận định.

Việc chi lượng tiền khổng lồ để kích cầu dẫn tới việc Chính phủ Mỹ có thâm hụt ngân sách lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác. Tuy nhiên, chính sách này giúp cho nền kinh tế nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng và doanh nghiệp không phải sa thải ồ ạt. Nếu không, nền kinh tế Mỹ có thể đã rơi vào một vòng xoáy suy thoái khó thoát.

Chi tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2024. (Nguồn: Medium)
Chi tiêu dùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2024. Nguồn Medium.

Ấn tượng hơn cả là sự vững vàng của thị trường việc làm Mỹ. Ngay cả khi lãi suất quỹ liên bang - lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - tăng lên mức cao nhất 23 năm ở 5,25-5,5%, tỷ lệ thất nghiệp của nước này vẫn duy trì dưới 4% trong suốt 2 năm qua. Trong tháng Hai, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ nhích nhẹ lên 3,9%.

Vị thế mà kinh tế Mỹ có được còn nhờ việc nước này đứng vững trong các cuộc khủng hoảng địa chính trị, cũng như cấu trúc vay nợ đặc biệt ở nước này. Chẳng hạn, sự gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và thực phẩm do chiến tranh Nga-Ukraine có ảnh hưởng ít hơn đến Mỹ so với Châu Âu và Nhật Bản - những nền kinh tế có mức độ phụ thuộc lớn hơn vào nguồn cung năng lượng và thực phẩm từ Nga. “Đó là phần may mắn của Mỹ”, ông Gagnon nói.

“Hệ thống ngân hàng Mỹ chịu nhiều rủi ro về lãi suất, nhưng ở nhiều nước khác, rủi ro này được đẩy về phía hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là một điều thực sự quan trọng”, ông Zandi nói.

Giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Mỹ hiện nay vẫn đối mặt với một số trở ngại. “Tôi không cho rằng đã có thể kết luận nền kinh tế đã hạ cánh mềm, rằng nền kinh tế đã hoàn toàn thoát khỏi rủi ro”, ông Zandi nói.

Ở thời điểm hiện tại, Fed vẫn giữ quan điểm khá cứng rắn về lãi suất, dù đã dự báo sẽ có 3 lần giảm lãi suất trong năm nay. Phát biểu hôm thứ Tư tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, cho rằng có thể Fed chỉ giảm lãi suất được 1 lần trong năm nay và lần giảm đó sẽ diễn ra vào quý IV. “Con đường sẽ gập ghềnh”, ông Bostic nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn CNBC.

Nhưng dù sao, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ. “Về cơ bản, nền kinh tế đang có được đà tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với trước đại dịch. Như vậy là khá tốt”, ông Gagnon của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói.

PV (t/h)