Ông Võ Quốc Cường, Đại diện Chi cục Thú y vùng 5 cho biết, Đắk Nông là tỉnh trong vùng Tây Nguyên đầu tiên phát hiện có vi rút bệnh DTLCP
Ngày 17/5, thông tin từ Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN&PTNT) Đắk Nông, trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi.
Trước đó, ngày 13/5, nhận được tin báo của người dân về việc có xác heo vứt bừa bãi trên đường tránh thuộc địa bàn tổ dân phố 1, P.Nghĩa Trung (thị xã Gia Nghĩa), Chi cục Phát triển nông nghiệp phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện có 9 xác heo vứt bừa bãi tại khu vực suối cạn thuộc P.Nghĩa Trung.
Chi cục Phát triển nông nghiệp đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy các mẫu đều dương tính với vi rút tả lợn châu Phi.
Cũng trong thời gian này, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện một trường hợp vận chuyển 22 con heo về cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tại địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm cho thấy 22 con heo trên đều nhiễm vi rút tả lợn châu Phi.
Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo nói trên, đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị các huyện, xã thành lập đội phản ứng nhanh để chống bệnh DTLCP
Chiều 17/5, UBND tỉnh Đắk Nông đã có cuộc họp khẩn với các sở ngành liên quan chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn như Sở NN&PTNT, Quản lý thị trường, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật và sản phẩm động vật từ lợn. Đối với các huyện giáp ranh với các tỉnh, nước bạn Campuchia phải chủ động triển khai thêm các chốt, trạm nhằm kiểm soát tốt hơn tình hình, nghiêm túc xử lý các đối tượng vi phạm.
Các huyện, xã thành lập các tổ phản ứng nhanh, xử lý tại chỗ khi có dịch không chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên. Các huyện, thị xã chú ý dành quỹ đất nhất định để tiêu hủy, có hướng xử lý ngay khi có mầm bệnh, không để phát tán ra môi trường xung quanh gây bùng phát dịch, trong đó chú ý đến các biện pháp vệ sinh phòng dịch như: vôi bội, hóa chất. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở giết mổ, không để lọt lợn, sản phẩm lợn không an toàn ra thị trường, nếu không đảm bảo thì kiên quyết đình chỉ.
Toàn tỉnh kiểm soát tình hình chăn nuôi lợn của nhân dân, hộ nhỏ lẻ, nắm rõ số lượng đàn chính xác để có sự phản ứng phù hợp. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, cơ quan truyền thông của tỉnh, trung ương đóng trên địa bàn thông tin đúng về dịch, nhất là hiện nay chỉ mới ở mức độ phát hiện có sự lưu hành của vi rút từ nơi khác đến, không làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình chăn nuôi của tỉnh.
Hoàng Gia Bảo