Dù chất lượng tốt, năng suất cao và hơn cả các loại rau, củ được gắn mác “Rau, củ Đà Lạt”, nhưng liên tục rớt giá và có lúc nông dân đành chất bỏ làm phân! Có một nghịch lý đã xảy ra đó là theo các chuyên gia thì, lượng rau về chợ vẫn ổn định trên 1.500 tấn mỗi ngày.
Và gần 20 năm qua, chưa khi nào người dân TP. HCM mua 1 kg rau Đà Lạt với giá dưới 3.000 đồng. Thậm chí, nhiều loại rau, củ có mức giá cao hơn từ 20 - 30 lần so với giá thu mua tại các nhà vườn Lâm Đồng, nhưng rau, củ Đà Lạt vẫn phải bỏ thối ngoài vườn...
Có lúc nông dân phải ngậm ngùi đổ bỏ nông sản mình làm ra vì không bán được
Gía rớt ... không đủ tiền thuê công thu hoạch
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thị Vân ở phường 7 (TP. Đà Lạt) cho biết: “Khoai tây liên tục rớt giá, không đủ tiền công thu hoạch. Vào thời điểm trước Tết, khoai tây có giá 14.000 - 16.000 đồng/kg. Nhưng thời điểm hiện tại, nếu bán đổ đống cả vườn, thương lái chỉ mua với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, giá đã xuống thấp dưới mức có thể nhưng vẫn không thể bán được, do thương lái viện lý do hàng xấu”.
Anh Đinh Văn Hoài, Trại Mát (TP. Đà Lạt) nói: “Giá khoai tây như hiện nay, nhà vườn mới chỉ vừa đủ thu hồi vốn đầu tư ban đầu. Người trồng sẽ phải chịu lỗ phần tiền thuê nhân công thu hoạch và công sức bỏ ra chăm sóc suốt gần 4 tháng”.
Tương tự, những hộ trồng hành tây cũng đang lâm cảnh khốn khó. Tại huyện Đơn Dương, nơi có diện tích hành tây, khoai tây lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, thời điểm hiện tại, trung bình 1 kg hành tây tại vườn chỉ có giá 2.000 đồng, nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Với giá bán này, mỗi sào hành tây (1.000 m2), nhà vườn phải bù lỗ thêm khoảng 5 triệu đồng mới đủ vốn đầu tư ban đầu, đó là chưa kể tiền thuê người thu hoạch với giá khoảng 250.000 đồng/ngày và công sức bỏ ra chăm sóc trong 3 tháng.
Nông buộc phải thu hoạch và đưa khoai tây vê lưu trong kho để chờ... giá lên
Do giá xuống quá thấp nên khoảng 50 tấn hành tây của gia đình ông Nguyễn Văn Tài, xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương) vẫn phải chất trong kho hơn 2 tuần qua. Ông Tài cho biết, với giá như hiện tại, nếu bán sẽ thua lỗ nặng nên gia đình buộc phải đưa hành tây vào lưu trong kho để chờ giá lên.
Chị Nguyễn Thị Thương, ngụ khu Đất Mới, phường 7 (TP. Đà Lạt) cho biết, cuối năm 2017, gia đình đầu tư trên 50 triệu đồng, trồng 3.000 m2 hành tây. Đến thời kỳ cho thu hoạch, cũng như nhiều gia đình, vợ chồng chị Thương hồ hởi vui mừng vì hành tây dự kiến sẽ cho năng suất cao do thời tiết thuận lợi.
Chị Nguyễn Thị Thơ ở xã Ka Đô (huyện Đơn Dương), ngao ngán: “Hành tây nhà tôi đã quá lứa trên ruộng mà không thấy thương lái nào đến hỏi thăm. Không phải riêng tôi, nhiều bà con cũng rơi vào cảnh lao đao như thế này. Giá như vậy, không đủ trả tiền công lao động nên không còn cách nào khác chúng tôi đành bỏ thối ngoài vườn ”!
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết ở xã Đạ Ròn Đơn Dương cho biết: Hiện 3 ha hành tây đang cho thu hoạch, nhưng rất khó tiêu thụ. Cả nhà tui sống dựa vườn cà chua này, nhưng không bán được. Không chỉ gia đình tui, mà những người trồng rau đều như thế cả!
Rất nhiều gia đình trồng rau ở Lâm Đồng đang “khóc dở mếu dở” với việc rau thì đầy ứ ngoài đồng, nhưng lại không có người mua.
Vì đâu nên nỗi?
Theo một số chủ vựa ở Đơn Dương, nguyên nhân giá khoai tây, hành tây xuống thấp là khoảng 1 tháng nay các thị trường lớn như Hà Nội, TP. HCM không tiêu thụ nhiều, trong khi khoai tây, hành tây đang vào vụ chính nên giá xuống rất thấp.
Ngoài ra, do khoai tây, hành tây, Trung Quốc được bán với giá rất rẻ ở các tỉnh phía Bắc, cũng khiến giá khoai tây, hành tâyLâm Đồng giảm giá mạnh. Hiện mỗi ngày các vựa chỉ thu mua tối đa khoảng 40 - 70 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ nên đã góp phần làm cho rau, củ Lâm Đồng “chết đứng” phải đành lòng “đổ sông đổ biển”.
Khoai tây Trung Quốc được "phù phép" thành "khoai tây Đà Lạt" bán tràn lan với giá rất rẻ khiến giá khoai tây Lâm Đồng “chết đứng”
Theo ông Trần Đức Quang – Chủ nhiệm HTX Xuân Hương (TP. Đà Lạt): “Nông sản của nông dân ở Lâm Đồng liên tục xảy ra tình trạng “đổ bỏ” là do không quy hoạch cụ thể về vùng diện tích canh tác các loại rau, củ, quả cho phù hợp với nhu cầu và thổ nhưỡng. Do vậy, cứ qua một vụ rau, củ, quả nào được giá, thì nông dân lại đổ xô trồng loại rau ấy. Kết quả, nguồn cung quá lớn, dư thừa nhiều khiến giá rau rẻ mạt. Người người nông dân lỗ nặng là tất yếu”.
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, đã từng đưa ra lý do nông sản liên tục “gặp nạn” đó là chủ yếu rơi vào những nông dân đứng ngoài liên kết làm ăn giữa nhà phân phối - nhà cung ứng - nhà nông.
Đặc điểm chung của những người phải đổ bỏ rau cho gia súc ăn là sản xuất theo từng hộ riêng lẻ, không có bất kỳ sự hợp tác nào với những nhà phân phối, chủ vựa tại Đà Lạt chuyên cung ứng cho siêu thị và các chợ nông sản trên toàn quốc.
“Thường doanh nghiệp đến đặt vấn đề khi nông dân đang ăn nên làm ra nên nông dân không mặn mà hợp tác. Mặt khác, thua lỗ trong nghề trồng rau thường không làm nông dân kiệt quệ, họ gỡ được ở vụ sau nên nông dân chủ quan, không muốn liên kết hoặc chần chừ thay đổi cách làm ăn”, ông Sơn nêu.
Giải pháp nào “cứu” nông sản Đà Lạt?
UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch “vùng sản xuất rau tập trung tỉnh Lâm Đồng” từ nay đến 2020. Vùng sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh này rộng đến 13.174 ha, tập trung ở Đức Trọng 6.000 ha, Đơn Dương 4.500 ha, TP. Đà Lạt 2.000 ha và Lạc Dương 674 ha.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đồng ý về chủ trương bổ sung Dự án Khu công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Đà Lạt vào danh mục Khu nông nghiệp công nghệ cao của quốc gia.
Có những lúc nông sản của nông dân phải ngậm ngùi nhỗ bỏ làm... phân!
Rõ ràng, Lâm Đồng luôn tính đến “chuyện lớn” để đưa nông sản tỉnh này “vươn xa”; nhưng họ lại “quên” đi “chuyện nhỏ” là bài toán về quy hoạch, dự báo, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân?
Nhiều người cho rằng, hậu quả của việc rau đổ bỏ là lỗi do người nông dân “tự bơi” mà không có sự liên kết! Vậy ai, những cơ quan nào sẽ giúp người nông dân tìm sự liên kết đó?
Câu trả lời - xin nhường lại cho các cơ quan quản lý tỉnh Lâm Đồng.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho "canh bạc” nông sản của người nông dân thua nhiều hơn thắng. Người thì đổ cho thời tiết, người thì cho là do thời vụ; cũng có ý kiến cho rằng nông sản Đà Lạt lúc này không còn là sự độc quyền và một lượng lớn rau, củ từ Trung Quốc đổ về ồ ạt kiến cho rau Đà Lạt “ế ẩm”...
Theo một chuyên gia Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, do nông dân có thói quen sản xuất thứ mình có, chứ chưa biết sản xuất thứ thị trường cần nên mới rơi vào tình cảnh trồng rau như một “canh bạc may rủi”!
Và câu chuyện của vùng nông nghiệp Đà Lạt lần này, không gói gọn ở “được mùa mất giá”, mà là câu chuyện của lối canh tác thiếu kế hoạch, thiếu liên kết... và thiếu cả định hướng của ngành chức năng!
Cao Diên - Hải Dương