Ấy vậy mà tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) có một sân chơi theo hình thức xã hội hóa đầu tư xây dựng cho trẻ phải “xoá sổ”, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng của người dân?
Công trình Công viên xã hội hóa đầu tư xây dựng cho trẻ có nguy cơ “xoá sổ”
Tài sản đầu tư tiền tỷ ... thành phế liệu!
Công viên Kim Đồng được xây dựng, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bố trí vốn đầu tư cụm 6 trò chơi thiếu nhi và giao cho Huyện đoàn Đức Trọng quản lý, khai thác. Do Nhà nước chưa bố trí được kinh phí để đầu tư các trò chơi nên sau đó đơn vị chủ quản công viên là Trung tâm Quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đức Trọng đã kêu gọi đầu tư lắp đặt các loại trò chơi dành cho thiếu nhi ở công viên này theo hình thức xã hội hóa.
Từ năm 2002 đến nay có 10 hộ dân tại địa phương thuê lại mặt bằng ở công viên Kim Đồng với tổng diện tích hơn 4.000m2, chia thành 36 quầy để đầu tư, kinh doanh 21 loại trò chơi dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên, hiện tất cả các loại trò chơi này đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn khi UBND huyện Đức Trọng có chủ trương thu hồi mặt bằng tại công viên Kim Đồng nhưng lại chưa sắp xếp được vị trí khác cho các hộ này thuê.
Bà Bạc Nguyệt Hải, một người bị thu hồi mặt bằng lo lắng cho biết, khối trò chơi đến thời điểm này gia đình bà đã đầu tư khoảng 8 tỷ đồng nhưng mỗi tuần chỉ kinh doanh được hai đêm cuối tuần, đó là chưa kể 6 tháng mùa mưa không có khách. Nay bị thu hồi mặt bằng, gia đình bà không biết tháo dỡ những trò chơi này để ở đâu, và khi tháo dỡ mà không có mặt bằng để lắp đặt kinh doanh lại thì chắc chắn các trò chơi sẽ bị hư hỏng, trở thành sắt vụn là điều không thể tránh khỏi vì không thể bán lại được cho ai.
Những tài sản này có nguy cơ ... bán sắt vụn sau ngày 31/3.
Theo các hộ, trước ngày nhận được thông báo thu hồi mặt bằng, họ không hề được cơ quan chức năng mời lên đối thoại, trình bày tâm tư nguyện vọng. “Nhà nước cho thuê mặt bằng để lắp đặt các loại trò chơi theo hình thức xã hội hóa, hằng năm chúng tôi đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước nhưng khi thu hồi mặt bằng chúng tôi lại không được họp để đối thoại. Việc thu hồi lại mặt bằng cũng phải thực hiện theo kế hoạch, lộ trình chứ không thể bất cập như thế. Điều này quá bất công và mất dân chủ!..”, bà Bạc Nguyệt Hải bức xúc.
Ông Mai Công Phụng cho biết: “Bây giờ không có nơi lắp đặt, nếu tháo dỡ chúng tôi không biết để những trò chơi này ở đâu vì phần lớn chúng khá lớn và cồng kềnh”. Cũng theo ông Phụng, nếu phải tháo gỡ các trò chơi ra mà không có chỗ để lắp đặt lại thì tài sản tiền tỷ của các hộ sẽ thành đống phế liệu…
"Xoá sổ" khu vui chơi giải trí vì an ninh trật tự?
Theo thông báo của Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đức Trọng này, chậm nhất tới ngày 31/3 tới đây, 10 hộ đang thuê mặt bằng để kinh doanh 21 loại trò chơi dành cho thiếu nhi ở đây buộc phải di dời ra khỏi công viên này. Điều này đồng nghĩa với việc các cháu thiếu nhi ở thị trấn 50.000 dân này không còn điểm vui chơi giải trí.
Đơn kiêu cứu của các hộ dân là “nạn nhân” của công trình xã hội hoá
Tại văn bản số 1403/UBND ngày 18/7/2017 của UBND huyện Đức Trọng, do bà Phạm Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch UBND huyện ban hành, nêu lý do thu hồi lại mặt bằng tại công viên Kim Đồng là do những ngày lễ, tết, lượng người dân tập trung về đây đông đã ảnh hưởng tới ATGT, ANTT, mỹ quan công viên…
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương, đường Thống Nhất, thị trấn Liên Nghĩa, người đang có hai con nhỏ 7 tuổi và 4 tuổi cho biết: “Cứ cuối tuần vợ chồng tôi lại đưa các cháu ra công viên chơi các loại trò chơi. Hai đứa nhỏ rất thích, vui cười khiến cả gia đình tôi đều cảm thấy hạnh phúc. Nghe nói sắp tới trong công viên không còn trò chơi nữa, các con tôi chưa biết kiếm trò chơi ở đâu để chơi!..”.
Tương tự, chị Đặng Nguyệt Thu, ngụ tại Quốc lộ 20, thị trấn Liên Nghĩa cũng chia sẻ: “Cả huyện, cả thị trấn có mỗi điểm vui chơi giải trí ngoài trời dành cho các cháu thiếu nhi, nay huyện thu hồi mặt bằng, buộc di dời các trò chơi ra khỏi công viên thiếu nhi Kim Đồng thì các cháu biết chơi chỗ nào? Công viên thiếu nhi mà không có trò chơi thì chúng tôi đưa các cháu thiếu nhi vào đó làm gì!?..”.
“Khu vui chơi giải trí dành cho các cháu thiếu nhi cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá địa phương đó có phát triển, đời sống vật chất và tinh thần có được đầy đủ hay không? Tôi cho rằng không thể bỏ khu vui chơi giải trí này được. Người lớn chúng ta có thể phải chịu thiệt thòi chứ đừng để các cháu không có chỗ vui chơi giải trí!..”, ông Nguyễn Văn Bảy, người thường đưa cháu tới công viên Kim Đồng góp ý.
Công văn yêu cầu trả lời khiếu nại của người dân của Ban Dân vân Trung ương gởi cho UBND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng)
Nhiều người đặc câu hỏi rằng lệu “xoá sổ” khu vui chơi của trẻ em thì tình hình an ninh trật tự ở nơi đây có tốt hơn hay không hay là mất an ninh hơn? vì khi “xoá sổ” thì nơi đây sẽ trở thành “bãi trống” không ai quản lý sẽ là nơi lý tưởng cho “bọn” hút chích xì ke, ma tuý?
Một số người dân đầu tư theo hình thức xã hội hoá này thì đặt câu hỏi, vì sao UBND huyện không có ý kiến chỉ đạo trước khi họ đầu tư xây dựng mà giờ bỏ tiền tỷ đầu tư chưa thu hồi được vốn thì chính quyền lại thu hồi mặt bằng?
Thiết nghĩ UBND huyện Đức Trọng cần xm xét thấu đáo khi thu hồi mặt bằng tại công viên Kim Đồng. Vì Quyết định này gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều người, nhiều đối tượng, trước hết là các cháu thiếu nhi ở đô thị khoảng 50.000 dân này sẽ không còn chỗ vui chơi giải trí.
Khi mức sống của xã hội được nâng cao, đời sống nhân dân có nhiều cải thiện, thì nhu cầu vui chơi, giải trí cũng tăng theo, đặc biệt là nhu cầu vui chơi của các em thanh, thiếu nhi. Vì vậy, việc khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng các sân chơi cho trẻ là việc làm cần thiết, hoạt động hướng đến các chủ nhân tương lai của đất nước.
Tại cuộc họp đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng, ngày 28/2 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến vai trò của xã hội hóa nguồn lực đầu tư: “Bây giờ không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Phải xã hội hóa để Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người dân có lợi mới được”.
Cao Diên - Hải Dương